1

Tin Tức Các Báo

In

Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn, nghiêm túc mỗi phòng thi tốt nghiệp

Cập nhật 24/05/2014 - 07:53:42 AM (GMT+7)

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, hiện nay các đoàn kiểm tra của Bộ đã đến nhiều địa phương để kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Để công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT được diễn ra an toàn, nghiêm túc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp thực tế và khả thi; tích cực chuẩn bị phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ…

 

Trong đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng Quy chế thi tốt nghiệp THPT, đồng thời tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm Quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi.

 

Đặc biệt, thành lập và đảm bảo các điều kiện hoạt động của các Hội đồng in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo; bố trí cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác thi.

Tổ chức tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ tham gia công tác thinhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, nâng cao hiệu quả tổ chức thi năm 2014. Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông; cung cấp điện, nước ổn định; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

 

Số báo danh của thí sinh gồm 6 chữ số

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra trong 2,5 ngày với 8 môn thi, trong đó có 6 môn thi tùy thuộc vào sự lựa chọn của học sinh. 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Thời gian làm bài đối với môn thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; Lịch sử và Địa lí: 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ: 60 phút.

 

Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu, Giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi để thực hiện các công việc chuẩn bị và tổ chức coi thi. Cụ thể, xếp tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c... đối với các thí sinh không đăng ký thi Ngoại ngữ; Xếp tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,... và theo thứ tự môn thi Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật đối với các thí sinh đăng ký thi Ngoại ngữ.

Mỗi thí sinh có một số báo danh. Số báo danh của thí sinh gồm 6 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng coi thi, đảm bảo trong Hội đồng coi thi không có thí sinh trùng số báo danh.

Phòng thi được xếp theo môn thi; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, riêng phòng thi cuối cùng của Hội đồng coi thi, được xếp đến 28 thí sinh.

Đối với Hội đồng coi thi có từ hai trường phổ thông trở lên, không được xếp thí sinh của các trường khác nhau trong một phòng thi, trừ phòng thi cuối cùng.

Đối với môn Ngoại ngữ, được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau trong cùng phòng thi nhưng phải thu bài riêng theo môn.

Số phòng thi của mỗi Hội đồng coi thi được đánh từ số 001 đến hết.