Cụ thể là hồ sơ dự thi vào trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tăng. Cô Tuyết Hạnh dự đoán: Có lẽ do trường này có nhiều hệ đào tạo mới như liên doanh, liên kết tăng so với năm trước.
Đứng thứ hai trong số trường được học sinh quan tâm là ĐH Hà Nội. Đặc biệt, năm nay, khối các trường tốp sau, điểm tuyển thấp hơn như ĐH Công đoàn, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội giảm. Rất ít thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào khối nông-lâm-ngư nghiệp hay khối sư phạm.
Trong khi nộp hồ sơ, do được hướng dẫn kỹ, thí sinh không có nhiều sai sót. Chủ yếu là ghi nhầm mã trường. Lý giải điều này, cô Hạnh cho biết: 25 năm qua, mã trường ĐH, CĐ không thay đổi, bỗng nhiên năm nay có sự thay đổi nên thí sinh nhầm lẫn cũng là việc bình thường.
Thí sinh “bỏ” đại học, chạy vào trường nghề?
Đó là nhận định bước đầu của cán bộ thu hồ sơ ở 2 tỉnh Thái Bình và Thanh Hóa. Ông Phạm Hữu Bản, chuyên viên xử lý phần mềm máy tính, Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, hiện các trường THPT ở tỉnh Thái Bình vẫn đang trong quá trình xử lý hồ sơ.
Tuy nhiên, nhìn vào số hồ sơ thu riêng ở Sở có thể thấy, năm nay, có khả năng lượng hồ sơ giảm đi một nửa. Lý giải tình huống này, ông Hữu Bản nhận định: Với tình hình cử nhân và thậm chí, thạc sĩ, tiến sĩ, thất nghiệp nhiều như hiện nay, thí sinh đã chuyển hướng đi làm nghề ngay và không “cay cú” với việc phải thi bằng được vào ĐH nữa. Chính vì vậy, ông Bản nói: Điều này có tác dụng tích cực tới xu hướng đại học hóa toàn dân trong nhiều năm.
Nhận định này được ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng GD chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định thêm bằng thông tin: Số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giảm khoảng 10%.
Lập luận về điều này, ông Nguyễn Văn Long nói: Hiện nay ở ta đang có hiện tượng người tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ làm công nhân dẫn đến hiện tượng liên thông ngược: ĐH, thạc sĩ đi học nghề để có được việc làm.
Ông Long kể: Ở Thanh Hóa có công ty may mặc, công ty giầy da thích lấy học sinh tốt nghiệp THPT vì huấn luyện mấy buổi là làm được việc và đối tượng này lại cần mẫn, trẻ nên khéo tay, an phận, không đòi hỏi gì vì không có bằng cấp; trong khi, người tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ có tâm lý ông chủ, giơ bằng ra là đòi hỏi quyền lợi tương xứng…
Sau khi Thanh Hóa công bố con số của tỉnh này là 25.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp thì học sinh sáng tỏ hơn nhiều vấn đề trong câu chuyện chọn thi đại học trong trường nghề. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Thanh Hóa)
Đặc biệt lấy đối tượng đã tốt nghiệp ĐH hoặc bậc cao hơn, các doanh nghiệp còn phải chịu rủi ro là đối tượng này vì có bằng cấp nên không chịu an phận, nếu xin được việc tốt hơn là họ sẽ “nhảy việc”. Học hành tốn kém, cuối cùng lại phải học thêm trung cấp nghề mới xin được việc thì thà học luôn trường nghề, ra xin việc cho đỡ tốn kém học ĐH, đỡ mất mấy năm học hành cao…, ông Long phân tích
Ông Long cũng nhận định: Sau khi Thanh Hóa công bố con số của tỉnh này là 25.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp thì học sinh sáng tỏ hơn nhiều vấn đề trong câu chuyện chọn thi đại học hay trường nghề.
Đặc biệt, ông Long nói, con số này sẽ còn tăng lên thì số cử nhân tốt nghiệp hàng năm sẽ được tuyển dụng vào đâu cho hết khi mà chỉ riêng Thanh Hóa, năm 2013 số người trúng tuyển vào ĐH, CĐ là gần 21.000 trong khi con số này ở năm 2012 chỉ có hơn 18.000.
Xu hướng chọn nghề… bế tắc
Điều nguy hiểm hơn lúc này là học sinh hiện nay chẳng biết học nghề gì, ông Nguyễn Văn Long thông tin. Theo ông, các ngành kinh tế thì thừa; các ngành sư phạm thì có vẻ như khó xin việc.
Ông Long miêu tả: Đã được hướng nghiệp nhưng học sinh không chọn nổi nghề. Làm nghề gì, xã hội không trả lời được cho học sinh, giáo viên hướng nghiệp cũng không hiểu xã hội thiếu ngành gì để hướng nghiệp.
Ông Long nhấn mạnh: 2 Bộ LĐTB&XH và GD&ĐT chỉ hướng chung chung: Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng ai hiểu đó là nhu cầu gì, ngành nghề gì, cần lấy bao nhiêu, cần kỹ năng gì… trong khi một số doanh nghiệp tuyển theo kiểu của họ thì nhà trường lại không đáp ứng được do các cơ sở đào tạo của ta làm theo truyền thống: Lý thuyết nhiều thực tiễn ít, trang thiết bị lạc hậu, đầu tư mới không có…
Ông Long dẫn chứng: Vừa qua ông có tham gia kiểm tra một số trường để cho phép mở ngành thì thấy giáo trình viết cách đây chục năm, máy móc thực hành cũ nhưng vì họ đáp ứng yêu cầu tối thiểu nên vẫn phải cho mở ngành. Như vậy, ông Long nói, không chỉ thí sinh bế tắc mà thôi!