Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực
In“Lối đi” nào cho nhân lực chất lượng cao?
Cập nhật 15/04/2014 - 08:42:59 AM (GMT+7)Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học nước ngoài của tỉnh Thanh Hóa đã mở ra cơ hội tốt cho hàng trăm người. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng nguồn nhân lực này đang là câu hỏi đặt ra với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Nguyễn Bá Tải - Phó giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đưa được 197 người đi đào tạo ở nước ngoài. Đến thời điểm này, đã có 97 người hoàn thành chương trình đào tạo trở về nước. Trong số này có 26 người trước khi đi học đang công tác ở các cơ quan nên khi quay về, họ làm việc ở đơn vị cũ; 6 trường hợp tiếp tục đi học tiến sĩ… Chưa kể sắp tới trong năm 2014 này có tiếp 40 trường hợp hoàn thành khóa học trở về nước.
Đến thời điểm này, vẫn còn 40 trường hợp đào tạo theo đề án đã trở về nước chưa được bố trí công việc. Để những trường hợp này đi đào tạo ở nước ngoài, ngân sách của tỉnh Thanh Hóa phải bỏ ra cho mỗi trường hợp này khoảng 34.000 USD. Theo đó, tổng số tiền ngân sách đã đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến thời điểm này là hàng trăm tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án là rất tốt, tạo điều kiện cho những người có năng lực được đào tạo chất lượng quay về phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác tuyển chọn đầu vào cũng được sàng lọc rất chặt chẽ, những người được đưa đào tạo từ nguồn ngân sách phải có nguyện vọng và cam kết phục vụ lâu dài theo sự phân công của tỉnh với thời gian phục vụ gấp 3 lần so với thời gian đào tạo. Đối với hệ đào tạo sau đại học phù hợp với nhu cầu của tỉnh phải cam kết làm việc tại tỉnh Thanh Hóa tối thiểu 10 năm.
Ngoài ra, quyền lợi của người học còn được thể hiện ở việc lựa chọn đối tác liên kết đào tạo. Đó là các trường đại học đẳng cấp quốc tế thuộc top 400 trường đại học hàng đầu thế giới và ngành cử học viên đến đào tạo thuộctop 200 thế giới theo bảng xếp hạng của một trong ba tổ chức xếp hạng các trường đại học có uy tín toàn cầu gồm: Academic Ranking Word University của Đại học Giao thông Thượng Hải, bảng xếp hạng Times Higher Education và bảng xếp hạng QS Top Universities của vương quốc Anh.
Đề án từ khi triển khai nhận được sự ủng hộ cao của các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa tại Nghị quyết về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hàng chục trường hợp, sau khi quay trở về chưa được bố trí công việc, gây lãng phí lớn đối với tiền của Nhà nước và sức dân.
Hiện nay, Trường ĐH Hồng Đức đăng ký tiếp nhận 8/40 trường hợp. 32 trường hợp còn lại, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ phối hợp cùng các Sở, ngành và các địa phương sử dụng hiệu quả nhất, phù hợp với chuyên ngành đào tạo của những người này.
Cũng cần phải nói thêm rằng, tại Quyết định 2729/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngày 6/8/2013 cho thấy: Việc phân số lượng cho các lĩnh vực đào tạo rất cụ thể. Điều này cho thấy, trước khi kýQuyết định nêu trên, UBND tỉnh đã rà soát nguồn nhân lực mà các sở ngành, đơn vị có nhu cầu.
Quyết định cũng nêu rõ: Học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học, sau đại học trở về địa phương được ưu tiên bố trí vào các cơ quan trong hệ thống chính trị của địa phương theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, Quyết định trên lại không nêu rõ trách nhiệm đối với các Sở,ngành, huyện, thị, thành phố và các đơn vị về việc tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao này. Phải chăng, đây chính là kẽ hở khiến những người tham gia vào đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Nếu chưa được bố trí việc làm, những trường hợp này đi làm việc ở nơi khác phải bồi hoàn một khoản kinh phí không nhỏ?