1

Hướng Nghiệp

In

Để không còn sợ thất nghiệp sau tốt nghiệp

Cập nhật 03/04/2014 - 08:51:44 AM (GMT+7)

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội ngày 21.3.2014, thanh niên từ 20 đến 24 tuổi tốt nghiệp CĐ và ĐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp rất cao với 20,75%.

Làm sao để khỏi thất nghiệp khi còn là sinh viên (SV)? Sau đây là vài mách nước.

Tuyển sinh 2014: Để không còn sợ thất nghiệp sau tốt nghiệp

Chọn trường có liên kết với các chương trình quốc tế

Hầu hết ĐH, CĐ Việt Nam hiện nay sử dụng chung khung chương trình ĐH. Do đó thay vì được đào tạo nhiều thực hành, SV lại học nhiều lý thuyết không cần thiết. Ai đang tiên phong trong chương trình này? Chính các trường ngoài công lập có quyết tâm đổi mới như ĐH: Thăng Long (Hà Nội), Duy Tân (Đà Nẵng), Miền Đông (Bình Dương) hay Cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM). Các trường này đều có các chương trình quốc tế với các trường ĐH uy tín từ Mỹ, châu Âu và được Bộ GD-ĐT cấp phép. Chính uy tín từ các ĐH lớn trên thế giới này và qua kiểm định xét duyệt nghiêm ngặt của Bộ là cơ sở để khẳng định một chương trình tốt.

Chọn trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất hoàn chỉnh

Không tính các trường ĐH, CĐ công lập, vốn được thừa hưởng đầu tư bao cấp từ nhà nước, các ĐH, CĐ ngoài công lập một khi đã đầu tư cơ sở vật chất hoàn chỉnh đồng nghĩa với cam kết chất lượng dài lâu. Một khi đầu tư lớn, ai cũng nghĩ đến sự an toàn, tính bền vững. Tính chất này là cơ sở để các bậc phụ huynh và học sinh yên tâm với các trường đã đầu tư hoàn chỉnh, không còn thuê mướn cơ sở. Nhiều trường có cơ sở khá hiện đại đang mọc lên ngay tại Hà Nội và TP.HCM đã làm cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến thêm bước mới.

Chọn trường với đội ngũ giảng viên trẻ là chủ đạo có kết hợp nhiều thế hệ

Khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh. Tiếng Anh đang chi phối nhiều nguồn thông tin gốc và cùng với mạng toàn cầu đang góp phần hình thành nên tầng lớp công dân quốc tế từ những giảng đường ĐH. Các giáo viên trẻ có khả năng nói tiếng Anh tốt, học ở các ĐH lớn ở nước ngoài về có khả năng truyền đạt những kiến thức mới và cả tiếng Anh chuyên ngành cho SV, điều kiện không thể thiếu khi Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường lao động toàn diện trong khu vực ASEAN từ 2015.

Chọn trường với cam kết chuẩn đầu ra không ngừng tăng lên

Chuẩn đầu ra hay định hình sản phẩm giáo dục là yêu cầu nghiêm ngặt, đặc biệt là loại hình dịch vụ như giáo dục. Nếu cơ sở đào tạo nào, dù công hay tư “ngủ quên trên chiến thắng” chắc chắn rằng sản phẩm ngày càng tụt hậu so với yêu cầu chung. Trong các chuẩn đầu ra hiện nay, tiếng Anh và kỹ năng tin học là hai công cụ không thể thiếu đối với những ai muốn làm công dân toàn cầu. Chuẩn đầu ra này phải luôn được so sánh với nhu cầu phát triển công nghệ, yêu cầu nguồn nhân lực từ xã hội ít nhất khoảng 4 - 8 năm.

Chọn trường ở các trung tâm đô thị lớn

Các ĐH lớn trên thế giới thường ở các trung tâm kinh tế - khoa học - công nghệ. Tại sao? Những trung tâm này, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu đàn vừa là nơi trực tiếp sử dụng các sản phẩm giáo dục nhưng cũng là nơi phản ánh yêu cầu thực tế cho nhà trường trong việc điều chỉnh chương trình đào tạo. Ngoài ra, chính những đội ngũ “thầy giáo doanh nhân” hay “doanh nghiệp giáo dục” trong những trung tâm đô thị lớn thường tạo ra những sản phẩm sáng tạo hơn tại các vùng kém phát triển hơn.

Ngoài những cơ sở đào tạo như đã nói, vẫn có thể kể thêm những điểm sáng trong các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam. Họ đang âm thầm xây dựng thương hiệu, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.

(Theo Báo Thanh Niên)