1

Hướng Nghiệp

In

TƯ VẤN NGHỀ TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN

Cập nhật 11/02/2014 - 09:49:05 AM (GMT+7)

Kính gởi: Thầy Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động

Câu hỏi: Em  là Lê Tiến Anh  và một nhóm bạn tại trường THPT  Lý Thường Kiệt xin thầy hướng dẩn  cụ thề  về  nghề Truyền thông đa phương tiện là như thế nào và làm những  công việc gì ? Sau khi học xong nghề,có tương lai không thầy?


Chúc thầy mạnh khỏe


Lê Tiến Anh< teanhtien@gmail.com>

 

Trả lời:


Chào em
 
Truyền thông đa phương tiện (hay còn gọi là Mỹ thuật đa phương tiện) là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí...


Hiểu một cách đơn giản đó là việc thiết kế đồ họa, trò chơi điện tử, làm hoạt hình 3D, thiết kế web, biên tập âm thanh, hình ảnh, dựng phim truyền hình, video clip… tất cả đều thực hiện trên máy tính. Hầu hết các sản phẩm truyền thông (quảng cáo, truyền hình, Internet,…) và giải trí hiện đại (game, điện ảnh, hoạt hình,…) chúng ta sử dụng ngày nay đều là sản phẩm của ngành truyền thông đa phương tiện.


Có thể nói, truyền thông đa phương tiện là sự giao thoa của công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó máy tính là công cụ chủ yếu cho việc sáng tạo, xây dựng các sản phẩm truyền thông, giải trí,… và ứng dụng đồ họa cho tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.


Thực tiễn cho thấy các dịch vụ thông tin ngày nay không chỉ đơn thuần là cung cấp dữ liệu, số liệu mà đòi hỏi sự trực quan và tương tác cao. Do đó, các hình thức, loại hình, cũng như yêu cầu về chất lượng dịch vụ truyền thông đa phương tiện ngày càng phong phú, đa dạng. Truyền thông đa phương tiện cũng là nền tảng quan trọng cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội như: báo chí, truyền hình, quảng cáo, PR, xây dựng nhãn hiệu, tiếp thị, giải trí, giáo dục, mỹ thuật đa phương tiện, đồ họa kiến trúc,... và các hoạt động truyền thông khác.


Việc làm sau khi học Truyền thông đa phương tiện:


Người học có thể làm việc trong rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh... với các công việc như:

  - Quản lý, biên tập, xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh: xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế các nội dung truyền hình, hay làm các kỹ xảo điện ảnh (tại các công ty truyền hình, hãng sản xuất phim)

  - Quản lý, biên tập, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm, bìa sách (tại các công ty báo chí, báo điện tử, nhà xuất bản)

  - Chuyên gia thiết kế, xây dựng phim hoạt hình: thiết kế nhân vật, thiết kế kịch bản (tại các xưởng sản xuất phim hoạt hình)

  - Chuyên gia thiết kế, xây dựng trò chơi điện tử (tại các công ty phát triển game)

  - Chuyên gia thiết kế, tư vấn quảng cáo: thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế logo, làm phim quảng cáo...hoặc một hệ thống nhận dạng thương hiệu (tại các công ty quảng cáo, PR)

  - Chuyên gia thiết kế, xây dựng website: thiết kế giao diện, thiết kế chức năng, xây dựng nội dung (tại các công ty phát triển phần mềm, xây dựng website)

  - Chuyên gia thiết kế đồ họa, mô phỏng: ứng dụng trong y học, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giáo dục... (tại các công ty về thiết kế đồ họa)

  - Giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học và chuyên nghiệp về lĩnh vực đồ họa         

Tại Việt Nam, truyền thông đa phương tiện là một ngành nghề mới và đang phát triển rất nhanh. Vào thời điểm này, số lượng chuyên gia cao cấp trong nước có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông linh hoạt và đa văn hóa hiện còn rất khan hiếm.


Trích dẫn nguồn: Tạp chí Thế giới PR

 

Trần Anh Tuấn
 Phó giám đốc
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao đông TP,HCM
Ngày 18.1.2014