1

Hướng Nghiệp

In

“Thi rớt đại học là chuyện bình thường”

Cập nhật 06/01/2014 - 08:03:28 AM (GMT+7)

Khoảng 300 thầy cô đã có mặt tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp dành cho giáo viên do ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức sáng 5-1 tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho hay trong số các thầy cô đến dự chương trình phần lớn đang làm công tác hướng nghiệp tại các trường THPT, trong đó có nhiều thầy cô đến từ những địa phương vùng sâu vùng xa các tỉnh thành từ Quảng Nam đến Cà Mau. Đến với chương trình, mỗi thầy cô cho biết đều mang theo hàng loạt thắc mắc về việc thi cử, chọn nghề của học sinh. “Sau chương trình này, các thầy cô khi trở về địa phương sẽ giúp học sinh của mình giải tỏa được nhiều thắc mắc trong việc chọn ngành, chọn trường...” - ông Dũng nói.

Trong phần trình bày về hệ thống đào tạo sau THPT, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết hệ thống đào tạo sau THPT ở nước ta hiện nay khá phức tạp với khoảng 450 trường ĐH, CĐ nhưng hằng năm có chưa đến 600.000 chỉ tiêu, trong khi cả nước có đến 1,4 triệu thí sinh dự thi. “Như vậy số thí sinh thi rớt ĐH nhiều hơn thi đậu. Chúng ta phải làm sao hướng các em vào học bậc học khác chứ không nên tập trung vào ĐH. Đó là các trường CĐ nghề, trung cấp nghề...” - TS Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị. Nhiều giáo viên tỏ ra rất quan tâm và ghi chép khá cẩn thận những thông tin trên. “Nhờ những thông tin này tôi mới nhận ra rằng việc thi rớt ĐH là chuyện bình thường... Với những con số cụ thể này, hi vọng sẽ thuyết phục được các học sinh có học lực trung bình chọn bậc học khác thay vì vào ĐH” - một giáo viên chia sẻ.

Một cô giáo ở Trường THPT Hàm Tân (Bình Thuận) thắc mắc các em ở nông thôn, gia đình không quen biết ai nên khi mới ra trường rất lúng túng, không biết tìm thông tin tuyển dụng, nộp hồ sơ xin việc ở đâu phù hợp với ngành học của mình. Các công ty có công khai thông tin tuyển dụng? Các trường ĐH có hỗ trợ gì cho sinh viên trong vấn đề việc làm?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định ở TP.HCM, các doanh nghiệp công khai tiêu chí tuyển dụng rõ ràng, xét tuyển dụng trên cơ sở kiến thức, năng lực của ứng viên, không có chuyện ưu tiên “con ông cháu cha”. Vì vậy sinh viên cần trang bị tốt kiến thức và kỹ năng cho mình thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội việc làm. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ thêm hiện nay các trường ĐH đều có trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, các trung tâm thường hỗ trợ đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, đồng thời tổ chức ngày hội việc làm mời các doanh nghiệp đến tuyển dụng trực tiếp sinh viên. Cơ hội việc làm của sinh viên hiện nay rất rộng mở...

Tại chương trình, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết trong tháng 1-2014 Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức phương án thi ĐH, CĐ và sau Tết Nguyên đán sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp. “Từ nay đến năm 2016, các trường có năng lực, có đề án được duyệt sẽ thi riêng, đồng thời kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT vẫn được tổ chức. Như vậy các em thí sinh có thêm cơ hội thi ĐH, CĐ. Ngoài kỳ thi “3 chung” các em có thể đăng ký thi riêng ở các trường tổ chức thi riêng”- ông Nghĩa nói.