1

Tin Tức Các Báo

In

“Không dại gì” thi riêng!

Cập nhật 21/12/2013 - 08:26:54 AM (GMT+7)

Nhiều trường cảm thấy bị “bó hẹp” và “không dại gì” tổ chức thi riêng theo định hướng hiện nay của Bộ GD-ĐT. Tối thiểu các trường cần 2 đến 3 năm để chuẩn bị.

Đơn vị được kỳ vọng sẽ tổ chức thuận lợi kỳ thi riêng hiện nay chính là khối ĐH Quốc gia, bởi đội ngũ được kết hợp từ nhiều trường thành viên, dễ có sự công nhận lẫn nhau và cơ hội cho thí sinh cũng rộng hơn.
Thí sinh thiệt thòi
Dự thảo quy định về tự chủ trong tuyển sinh ĐH-CĐ vừa được bộ ban hành những ngày gần đây tiếp tục nhận thêm nhiều luồng ý kiến từ phía các đơn vị đào tạo. Trong đó, các trường đều nhìn nhận rằng, thí sinh tham gia thi riêng gặp rất nhiều bất lợi, mà dễ thấy nhất chính là giảm hẳn số lượng nguyện vọng xét tuyển.
Thông thường tham gia thi tuyển “3 chung”, một thí sinh sau khi trượt nguyện vọng 1 còn được tham dự nhiều đợt xét tuyển bổ sung sau đó. Đối với việc thi riêng vào trường như trong dự thảo, cơ hội cho thí sinh gần như chỉ có một. Vì bộ quy định, thí sinh dự thi riêng vào trường nào, kết quả chỉ có giá trị xét tuyển tại trường đó. Hoặc cùng lắm, các em được tham gia xét tuyển vào những trường có cùng khối ngành có liên kết với nhau để tổ chức thi riêng.
ThS. Lâm Thành Hiển (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng) đánh giá, việc thí sinh thi riêng không được dùng kết quả để xét tuyển chung đã là thiệt thòi quá lớn. Không chỉ vậy, theo TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản trị chiến lược, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), thiệt thòi còn thuộc về cả thí sinh thi “3 chung”, khi bộ quy định kết quả của các em không được dùng xét vào trường thi riêng. TS. Dũng cho rằng, việc thí sinh thi riêng không được dùng kết quả để xét tuyển vào trường thi “3 chung” thì còn chấp nhận. Nhưng kỳ thi chung của bộ đến nay vẫn được đánh giá chất lượng cao nhất, trong khi không cho thí sinh xét tuyển vào các trường thi riêng thì quả là thiệt thòi. Điều này dễ dẫn đến tình trạng thí sinh vì muốn mở rộng cơ hội vào ĐH nên “không thèm” thi riêng nữa.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cũng dự báo, vì khá “bó hẹp” nguyện vọng nên khả năng sẽ có thí sinh chọn thi riêng chỉ vì nghĩ rằng năm đầu tiên các trường sẽ ra đề… dễ.
Trên thực tế, tâm lý vốn đã ăn sâu trong người học đó là trường công bao giờ cũng được ưu tiên lựa chọn trước. Trong khi đó, hiện các trường công hầu như vẫn đứng “bên lề” chủ trương thi riêng. Rất khó để trong ngày một ngày hai, hướng thí sinh “đi ngược” lại bằng cách chọn đăng ký vào trường thi riêng.
Rối vì… vừa chung vừa riêng
Chính vì khó “lay chuyển” được xu hướng lựa chọn bấy lâu của thí sinh nên nhiều trường, nhất là các đơn vị ngoài công lập hiện chưa thấy tự tin khi tách ra thi riêng. Ông Trần Kim Phước (quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) nêu quan điểm, thà trường nào cũng tổ chức thi riêng, thí sinh sẽ căn vào năng lực của mình mà lựa chọn. Còn “vừa chung vừa riêng” như hiện nay thì hiển nhiên thí sinh sẽ ưu tiên chọn thi chung vì có thể vào được trường công hoặc còn nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung khác nếu không đủ điểm.
ThS. Lâm Thành Hiển cũng nhìn nhận, với định hướng của bộ thì thời điểm này các trường “không dại gì” thi riêng vì sẽ bị bó hẹp đối tượng. Chỉ trường nào “kẹt” quá không có đủ học trò mới chú ý phương án tuyển sinh này.
“Nếu tổ chức thi riêng giống những năm trước “3 chung”, tức là vẫn áp dụng kiểu cũ (theo từng khối tương đương với các môn toán - lý - hóa, văn - sử - địa…) thì không có ý nghĩa gì cả. Như vậy thà duy trì áp dụng “3 chung” luôn còn tốt hơn. Đối với kỳ thi riêng theo định hướng mới của bộ, yếu tố chất lượng đầu vào phù hợp với đặc trưng ngành nghề hết sức quan trọng, đòi hỏi các trường cần có thời gian chuẩn bị, lộ trình tối thiểu từ 2 đến 3 năm” - ThS. Phạm Thái Sơn nói.
Cũng theo đánh giá của ThS. Phạm Thái Sơn, hiện chỉ có thể khối ĐH Quốc gia mới đủ thực lực tổ chức kỳ thi riêng, vì đội ngũ được kết hợp từ nhiều trường thành viên, dễ có sự công nhận lẫn nhau, cơ hội thí sinh sẽ rộng và độ an toàn trong khâu xét tuyển cao hơn.
Xa hơn, nhiều ý kiến còn lo ngại việc thí sinh thi riêng có thể bị… bơ vơ sau khi nhập học mà có nguyện vọng chuyển trường hoặc không may trường bị giải thể.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Liên thông không còn phải thi “3 chung”?
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) đặt vấn đề, hiện thí sinh liên thông (đối tượng tốt nghiệp dưới 36 tháng) đang bị “ràng buộc” bởi kỳ thi “3 chung”. Nếu trường tổ chức thi riêng, có thể sẽ phá vỡ yêu cầu thi chung của thí sinh. Thay vào đó, khó kiểm soát việc các trường tổ chức đề thi riêng cho thí sinh liên thông để thu hút người học. Nếu không giữ vững thông tư 55 dễ dẫn đến những trường thi riêng sẽ không thực hiện thi liên thông cho đối tượng dưới 36 tháng được.

(Theo GD Online)