Tin Tức Các Báo
InCải tổ lại hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ra sao?
Cập nhật 09/09/2013 - 10:03:04 AM (GMT+7)Việc cải tổ giáo dục đại học cần phải bắt đầu bằng việc cải tổ quản lý hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên vào lúc đó quá trình sắp xếp tổ chức lại các trường đại học và các viện nghiên cứu trực thuộc nhiều bộ chủ quản khác nhau đã bị các viện nghiên cứu phản đối quyết liệt.
Trong Đề án “Quy hoạch hệ thống mạng lưới các trường đại học và cao đẳng Việt Nam giai đoạn đến năm 2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo vào tháng 8-1999 có phương án chuyển 39 viện nghiên cứu cơ bản về các trường đại học và phương án tổ chức lại hai Đại học Quốc gia.
Ảnh mang tính chất minh họa. |
Những người có tư tưởng đổi mới đại học Việt Nam lúc đó chủ trương hình thành những “viện” đại học đa lĩnh vực trong đó có sự liên kết giữa khoa học cơ bản và khoa học công nghệ, giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, và các “viện” đại học đa lĩnh vực được hình thành trên nguyên tắc không thể thiếu một trong hai trường Tổng hợp và Sư phạm.
“Viện” Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập ngày 10-12-1993 trên cơ sở 3 trường đại học: Tổng hợp, Sư phạm và Ngoại ngữ. “Viện” Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 27-01-1995 trên cơ sở các trường đại học: Tổng hợp, Sư phạm, Kinh tế - Tài chánh, Bách khoa, Nông Lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Kiến trúc, Luật. “Viện” Đại học đa lĩnh vực cũng được thành lập ở Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên. Đến lúc này Trường Đại học Cần Thơ cũng được duy trì cấu trúc của Viện Đại học Cần Thơ như trước năm 1975, bao gồm cả khoa Y Nha Dược.
Việc sáp nhập các trường đại học để thành lập “Viện” Đại học Quốc gia ở Hà Nội và ở TP Hồ Chí Minh hay “Viện” Đại học Khu vực như ở Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên cho thấy một nỗ lực cải tổ về tổ chức quản lý với mục đích giải quyết tình trạng phân tán trùng lắp của các trường đại học nhỏ chuyên môn riêng biệt và kém hiệu quả. Tuy nhiên khi so sánh các “Viện” Đại học đa lĩnh vực ở Hà Nội, Huế, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và các Trường Đại học riêng lẻ ở ngoài các “Viện” Đại học thì chúng cho thấy tình trạng thiếu sự nhất quán về tổ chức quản lý các “Viện” Đại học và Trường Đại học.
Ở Huế và Cần Thơ thì trường Đại học Y Dược ở trong “Viện” Đại học đa lĩnh vực, còn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì trường Đại học Y Dược lại ở ngoài “Viện” Đại học Quốc gia”. Ở Hà Nội còn có quá nhiều trường đại học chuyên ngành riêng lẻ tồn tại ngoài “Viện” Đại học Quốc gia Hà Nội”. Ngoại trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần thiết có trường đào tạo sĩ quan và chuyên môn riêng, việc trường Đại học Luật trực thuộc Bộ Tư pháp, trường Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế, Học viện Hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, và các trường Đại học Hàng hải, trường Hành chính Trung ương... không nằm trong hệ thống quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không hợp lý.
Tuy nhiên sau khi các đại học được thu học phí và gia tăng ào ạt về số lượng sinh viên trong ba năm học từ 1995 đến 1998, “Viện” Đại học Quốc gia Hà Nội có tới 60.000 sinh viên và “Viện” Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở nên khổng lồ với 150.000 sinh viên trong khi bộ máy quản lý mô hình “viện đại học” chưa được ổn định. Một cuộc vận động ly khai đã thành công trong việc tách trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra khỏi “Viện” Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1999 và tách các trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Kiến trúc, Đại học Luật... ra khỏi “Viện” Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vào năm 2000.
Quá trình cải tổ tổ chức quản lý này còn tiếp tục bị đảo ngược. Chẳng hạn Khoa Nha Y Dược được tách ra khỏi “Viện” Đại Học Cần Thơ để thành lập Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2002, trực thuộc Bộ Y tế. Trường Đại học Y khoa Huế được tách ra từ Viện Đại học Huế năm 1976, rồi được sáp nhập trực thuộc trở lại “Viện” Đại học Huế năm 1994 theo tư tưởng đổi mới giáo dục đại học đầu thập niên 1990 nói trên, nhưng đến năm 2007 trường lại được tách ra khỏi “Viện” Đại học Huế và có tên mới là Trường Đại học Y Dược Huế, trực thuộc Bộ Y tế.
“Chiến lược phát triên giáo dục 2011 – 2020” có phân tích: “Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Việc tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề. Năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới.”
“Chiến lược phát triên giáo dục 2011 – 2020” cũng nêu giải pháp về đổi mới quản lý giáo dục, trong đó cần “Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục. Việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận. Thực hiện dần việc bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian trước mắt, các Bộ, các địa phương còn quản lý các trường đại học, cao đẳng phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy chế quản lý trường đại học, cao đẳng".
Tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa thành lập một ủy ban liên bộ có thẩm quyền để điều phối toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học trên toàn quốc cũng như để tản quyền cho tỉnh thành địa phương khi cơ chế bộ chủ quàn được bải bỏ. Luật Giáo dục Đại học 2012 vừa ban hành cũng không có quy định rõ ràng về vấn đề này.
“Đề án cải cách giáo dục Việt Nam” của Nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam có nêu một câu hỏi “Nên chăng thiết lập một Bộ Đại học và Nghiên cứu bên cạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo? (hoặc tách bộ phận phụ trách giáo dục đại học trong Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, nhập vào Bộ Khoa học và Công nghệ)”.
Ý kiến tương tự như vậy cũng được nêu trong Hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam – Hội nhập Quốc tế” tại TpHCM ngày 9/11/2012 như sau: “Nên có một cơ quan điều phối duy nhất có thẩm quyền đối với cả hệ thống giáo dục đại học. Cơ quan thẩm quyền này có thể là một Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Khoa học, hay có thể dưới hình thức một tổ chức trung gian gồm các thành viên phản ánh lợi ích các nhóm quan trọng có trách nhiệm liên đới. Tổ chức này phải có khả năng thực hiện trách nhiệm đối với toàn thể hệ thống giáo dục đại học và hệ thống nghiên cứu khoa học.
(Theo GDVN)