1

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

In

Những nghề qua thời vàng son

Cập nhật 01/08/2013 - 02:14:11 PM (GMT+7)

Sau hơn 10 năm mở tiệm sửa loa, ampli, đầu đĩa, anh Hải ở quận 10, TP HCM quyết định đóng cửa và đi làm thuê bởi nghề này không còn ăn nên làm ra như trước.

Anh Hải kể, một đầu đĩa hiện từ 700.000 đồng đến 1,3 triệu đồng nên chẳng mấy ai chịu bỏ ra 300.000-500.000 đồng để sửa, mà đa phần chọn cách mua mới. Trước đây, nhiều người thích sản phẩm bền chứ không chú trọng nhiều đến mẫu mã, nhưng hiện nay lại có khuynh hướng chuộng kiểu dáng nhiều hơn. Do giá rẻ, thiết kế thay đổi liên tục và những loại ra đời sau có thêm nhiều tính năng ưu việt hơn nên tiêu chí của khách hàng là chỉ cần dùng sản phẩm vài năm sẽ đổi cái khác cho hợp thời, chứ chẳng ai mang đi sửa mỗi khi nó hỏng hóc.

Lượng khách vắng dần, thu không đủ bù chi, thậm chí nhiều ngày chỉ ngồi chơi xơi nước bên mớ linh kiện điện tử nên anh quyết định ngừng kinh doanh sau 12 năm mở cửa tiệm. Hiện anh chuyển sang làm thợ chính tại một cửa hàng lớn ở quận 10 chuyên bán, sửa chữa loa cho các quán cà phê, vũ trường. “Thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng, nhưng ổn định hơn thời tôi còn làm chủ vì cửa hàng mới này có nhiều mối làm ăn nên đơn hàng đổ đến liên tục", anh chia sẻ.

Cách đây 10 năm, thợ lành nghề như anh được xem là “hàng hiếm” vì rất ít người am hiểu cặn kẽ các mạch, linh kiện, "trị đúng bệnh" chiếc loa hay đầu đĩa. Cuộc sống lúc đó dư dả đến nỗi doanh thu một ngày tương đương cả chỉ vàng.

TV-1375248493_500x0.jpg

Tivi đèn hình CRT đã dần biến mất, kéo theo nhu cầu sửa chữa loại tivi này cũng hết thời. Ảnh: Hoàng Hà

Anh Trung, ở quận 11 chinh chiến với nghề sửa tivi, radio từ khi nó ở thời hoàng kim cách đây hơn 10 năm cho tới lúc dần bị quên lãng. Nhờ nghề này, hai vợ chồng anh mua đất cất nhà ở Sài Gòn và dư dả một khoản tiền để gửi tiết kiệm.

Anh kể, từ lúc học đến khi thành thợ có khoảng 54 người, nhưng chỉ 10 người tay nghề cao, trong đó có anh. Lúc mới ra nghề, anh chưa dám mở tiệm riêng mà chỉ làm công ăn lương, nhưng trong vòng 3 ngày, ông chủ chịu trả cho anh mức lương tương đương 2 tháng. Thời điểm đó, hàng điện tử hầu hết được nhập nguyên kiện từ Nhật, giá rất đắt. Vì vậy, khách hàng sẵn sàng chi ra khoảng 20% trên giá trị món hàng mà họ cũng không thấy tiếc.

Nhưng hiện nay, công nghệ mới ra đời như LCD, tivi đèn nền LED khiến các loại tivi đèn hình dần biến mất. Ngoài ra, hàng sản xuất từ Trung Quốc nhập sang Việt Nam càng nhiều với giá 3-10 triệu đồng, mẫu mã đẹp khiến nghề sửa chữa, lắp ráp tivi hết thời hoàng kim. Trong khi đó, máy nghe nhạc MP3, điện thoại thông minh ngày càng thịnh hành nên cũng chẳng còn ai có thói quen dùng máy cassette nghe trên sóng phát thanh như hồi xưa. Kéo theo đó, nhu cầu sửa radio cũng dần rơi vào quên lãng.

“Tôi cảm thấy rất buồn, không nỡ bỏ nghề này. Nhưng hiện giờ, tôi không thể nhờ nó để nuôi sống gia đình được nữa”, anh chia sẻ. Hiện cửa hàng sửa tivi, radio của anh sắp đóng cửa vì quá ế ẩm. Thời gian này, anh làm giám thị, phòng đào tạo tại một trường Đại học ở quận 5 để kiếm thêm thu nhập.

Xu hướng truyền hình cáp lan khắp mọi nhà khiến nhu cầu dùng và sửa những cây ăng-ten cao hàng chục mét để bắt sóng đài truyền hình các tỉnh như hàng chục năm trước ngày càng vắng bóng. Chị Hạnh, quận Thủ Đức kể, nhà chị ở tỉnh Tây Ninh hiện đã gắn truyền hình cáp nhưng cây ăng-ten cao 22 mét đã rụng gần hết các chà vẫn còn lơ lửng trên không trung hơn 10 năm nay. Để đảm bảo an toàn trong những lúc mưa giông, gia đình chị cùng hàng xóm xung quanh tìm người tháo dỡ cây ăng-ten xuống nhưng không tìm đâu ra thợ.

"Trước đây, tìm thợ dựng và tháo cây ăng-ten rất dễ. Chỉ cần có người chịu làm là cả xóm cùng nhờ người đó làm giúp nhưng giờ tìm mãi chẳng ra. Nghề này đã không còn thịnh hành như thời gian trước nên không còn mấy ai theo nghề", chị nói.

17 năm trong nghề hớt tóc, anh Nguyên, 40 tuổi ở quận Tân Bình kể, cách đây 6 năm, thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 12 triệu đồng. Những ngày lễ hoặc ngày nghỉ làm không ngơi tay, khách vào ra nườm nượp, có cả nam lẫn nữ. Nhưng giờ đây số tiền anh kiếm được giảm 30-40%, trong khi vật giá hiện nay đắt hơn nhiều so với những năm trước, song anh vẫn gắn bó bởi: “Tôi không biết làm gì kiếm tiền ngoài công việc hớt tóc. Vả lại, trót theo nghiệp thì phải gắn bó suốt thôi”.

Với giọng cười đượm buồn, anh cho hay: "Thu nhập giảm nhiều như thế này đương nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ chồng tôi và hai đứa con. Nhưng biết sao được, tôi cũng phải gói ghém để đủ trang trải cuộc sống hàng ngày". Vợ của anh đang mở buôn bán nhỏ để phụ thêm khoản tiền cho gia đình.

Các salon, tiệm làm đẹp có máy lạnh, tiện nghi thời thượng mọc lên như nấm khiến những cửa tiệm vẫn giữ phong cách cũ như anh ế khách. "Cuộc sống khấm khá nên khách hàng muốn tận hưởng các dịch vụ tốt nhất, trong không gian sang trọng, kể cả khi cắt tóc, làm đẹp. Nhiều người muốn được nhà tạo mẫu có bằng cấp, chứng chỉ này nọ cắt cho mình, chứ không còn chuộng các nơi bình dân", anh nói.

Anh chia sẻ thêm, trước đây, khách hàng đến cắt tóc rất kén thợ và họ chỉ chịu làm với một người đó thôi. Nhưng giờ hầu như ai đến cắt tóc đều không có nhiều thời gian, bận rộn với công việc nên phần lớn họ dễ tính hơn, thợ nào hớt cũng được.