1

Hướng Nghiệp

In

Ngành Công nghệ Nano

Cập nhật 25/07/2013 - 01:47:11 PM (GMT+7)

 Công nghệ thế kỷ XXI đòi hỏi việc giảm kích thước tối đa của các máy móc, linh kiện, phương tiện mà vẫn tăng cường được công năng của chúng. Yêu cầu trên khiến người ta phải nghĩ tới các loại vật liệu mới thay thế những vật liệu “to xác” trong quá khứ. Lời giải đáp chính là Công nghệ nano.

Công nghệ nano là công nghệ chế tạo và điều khiển các tính chất của vật liệu nano. Vật liệu nano là những vật liệu mang kích thước nanomét. Một nanomét bằng 1 phần tỷ mét. Tức là nếu bạn lấy một sợi tóc chia làm 50.000 phần, bề dày của mỗi phần sẽ khoảng 1 nanomét.
 
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Làm việc trong lĩnh vực Công nghệ nano, bạn được nghiên cứu, tiếp cận với những kiến thức tiên tiến nhất, các máy móc hiện đại nhất trên thế giới. Bạn cũng có cơ hội khám phá vẻ đẹp của một thế giới siêu nhỏ và thấy những kết quả làm việc hăng say của mình sẽ được áp dụng đầy hiệu quả trong cuộc sống.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự cạnh tranh và hợp tác giữa các nước về Công nghệ nano rất sối động với sự tham gia của rất nhiều quốc gia, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho ngành này.
 
Ở Việt Nam, từ năm 2004, Công nghệ nano được Đảng và Nhà nước coi là một định hướng chiến lược về khoa học công nghệ để phục vụ các ngành khoa học khác. Tuy nhiên, đây là một ngành khoa học còn rất mới mẻ ở Việt Nam nên bước vào ngành này, bạn cần niềm say mê và cả một chút dũng cảm, dám đương đầu với thách thức. Bù lại, chính sự mới mẻ ấy đem lại cho bạn những cơ hội thành đạt lớn.
 
Một số nghề nghiệp trong ngành Công nghệ nano
Công nghệ nano đan xen, hòa quyện vào tất cả những ngành công nghệ. Nó phục vụ mọi lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt, sản xuất. Cánh cửa của Công nghệ nano rộng mở cho tất cả những ai yêu thích các môn khoa học tự nhiên.
 
Nhà khoa học nghiên cứu Công nghệ nano
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tìm ra những quy luật vật lý và hóa học của một dạng vật chất cụ thể khi chúng tiến đến kích thước nano. Những nghiên cứu này làm phong phú thêm các quy luật vật lý, đồng thời trở thành nền tảng để đưa ra các ứng dụng trong thực tế.
 
Nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm của các trường đại học hay các hãng sản xuất. Cuộc sống của một nhà khoa học trong lĩnh vực Công nghệ nano thường gắn chặt với phòng thí nghiệm, với các máy móc tinh vi và khối lượng công việc chuyên sâu.
 
Kỹ sư Công nghệ nano
Nếu như các nhà khoa học tìm ra các quy luật thì kỹ sư là người thiết kế và vận hành các quy trình ứng dụng. Kỹ sư Công nghệ nano có môi trường làm việc rất rộng lớn và linh hoạt ở các tập đoàn, nhà máy, xí nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Họ thông thạo về chuyên ngành Công nghệ nano mà mình đảm nhận.
 
Kỹ sư Công nghệ nano làm việc ở phòng sản xuất, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở các nhà máy, xí nghiệp, cũng có thể ở các khoa điều trị bằng phương pháp vật lý ở bệnh viện.
 
Nhà tư vấn, quản lý và chuyển giao công nghệ
Với kỹ năng tốt kèm theo những kiến thức chuyên sâu, bạn sẽ trở thành một nhà tư vấn, nhà chuyển giao công nghệ tới các dây chuyền sản xuất dựa trên các bằng phát minh sáng chế. Ở tầm cao hơn, bạn sẽ là người giữ trọng trách quản lý những chương trình tầm cỡ quốc gia để chỉ đạo thực hiện các hướng phát triển tương lai về công nghiệp, năng lượng, y tế, nông nghiệp và quốc phòng v.v…
 
Nhà tư vấn và chuyển giao công nghệ thường làm việc tại các hãng sản xuất, các nhà máy công nghiệp, các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ. Nhà quản lý làm việc tại các bộ phận chuyên môn thuộc các Bộ, ban ngành của Nhà nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan tới công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quốc phòng.
 
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết:
- Yêu thích các môn khoa học tự nhiên
- Hiểu biết đa ngành về khoa học tự nhiên
- Ưa thích công việc tìm tòi, nghiên cứu, khả năng tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách logic
- Đức tình kiên trì và khả năng tập trung cao
- Trình độ ngoại ngữ và tin học
- Tính chính xác.