1

Kinh Nghiệm Ôn Thi

In

Điều tiết tâm lý để làm bài thi hiệu quả

Cập nhật 04/07/2013 - 08:40:19 AM (GMT+7)

Học vốn là một việc rất gian khổ, nên người xưa từng khuyên: “phải khổ học”. Nó không chỉ diễn ra 12 năm ở phổ thông mà còn cộng thêm 4 năm hay nhiều hơn nữa ở bậc đại học và sau đại học.

Trong quá trình học, bản thân người đi học phải trải qua rất nhiều kỳ thi lớn, nhỏ khác nhau, nên áp lực tâm lý là rất lớn. Vì thế, chúng ta phải làm cách nào để biến việc thi cử vốn rất căng thẳng, nặng nề ấy trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn? Muốn vậy các bạn cần phải:

Tự tin

Các bạn nên nhớ, sự tự tin không thể tự nhiên mà có được. Nó phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc của tri thức, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mà bạn đã tích lũy được qua thời gian học tập, ôn tập, luyện tập trước đó. Vì vậy, khi gặp đề thi khó, các bạn đừng vội lo sợ, vì mọi thí sinh đều bình đẳng trước đề thi; nếu dễ thì tất cả đều dễ; nếu khó thì ai cũng khó như nhau; thành, bại là ở chỗ phải tích cực động não để vượt qua. Cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, các bạn cũng phải luôn tự tin vào năng lực của bản thân và biết cách khai thác tiềm năng vốn có của mình.

Bình tĩnh

Khi bước vào phòng thi các bạn cần phải thật sự bình tĩnh. Có bình tĩnh, không quá lo lắng, các bạn mới có thể suy nghĩ toàn diện, thấu đáo, nhận ra thách thức của từng câu hỏi, bài tập; từ đó phân bổ thời gian làm việc hợp lý và tìm phương án khả thi nhất để giải quyết vấn đề. Cụ thể là: bình tĩnh làm thủ tục ban đầu - bình tĩnh đọc đề - bình tĩnh giải đề - bình tĩnh kiểm tra, sửa chữa...

Quyết tâm

Mỗi lần thi là một lần vượt qua thử thách, vượt lên chính mình. Nếu đề thi quá dễ, đơn giản, ai cũng có thể làm được thì việc thi cử đâu còn ý nghĩa gì nữa? Có thể hình dung khó khăn giống như cái lò xo vậy, bạn mạnh thì nó yếu, bạn yếu thì nó mạnh! Cho nên, đứng trước khó khăn, thách thức ai có quyết tâm sắt đá thì người đó sẽ thành công. Các bạn nên noi gương tinh thần làm việc hăng say của Thomas Edison, nhà phát minh lừng danh thế giới, ông tự đề ra phương chăm: “Trong bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống nào, tôi đều không cho phép mình thối lui, nản chí”.

Cẩn thận

Trong thi cử, các bạn có tự tin, bình tĩnh, quyết tâm vẫn chưa đủ, mà cần phải có thêm sự cẩn thận nữa: cẩn thận làm thủ tục ban đầu - cẩn thận đọc đề - cẩn thận giải đề - cẩn thận kiểm tra sửa chữa... Có nhiều bạn, học lực không tệ, lại rất siêng năng học tập nhưng do thiếu cẩn thận trong lúc làm bài thi nên công sức bỏ ra đã thành “công dã tràng”. Vì vậy, bạn cần phải hết sức cẩn thận trong lúc làm bài thi để khỏi phải mắc những sai lầm đáng tiếc.                                  

Tóm lại, trong quá trình làm bài thi, các bạn phải tự tin vào năng lực bản thân, bình tĩnh làm bài, gặp khó khăn, thách thức đừng nản chí, hãy quyết tâm tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề, và nhớ phải luôn luôn cẩn thận. Nếu làm được như vậy, bất kể là đề thi có khó khăn đến cỡ nào, các bạn cũng sẽ đạt được kết quả tốt đẹp!