Tin Tức Các Báo
InTrình độ giảng viên không theo kịp tốc độ phát triển sinh viên
Cập nhật 12/06/2013 - 03:48:13 PM (GMT+7)Tỷ lệ sinh viên hệ chính quy năm học 2011 - 2012 tăng 16%, trong khi đó, quy mô đội ngũ giảng viên lại khá khiêm tốn, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn quá ít và chiếm tỉ lệ thấp.
Số lượng sinh viên tăng "chóng mặt"
Chỉ tiêu được giao hằng năm về tăng quy mô đào tạo đối với giáo dục đại học (GDĐH) từ năm 2010 tới nay chỉ dừng ở mức khoảng 6-6,5%, giảm 5-6% so với năm 2009 trở về trước (giai đoạn từ năm 2009 trở về trước, tỉ lệ tăng quy mô GDĐH được giao luôn ở mức 12-13%/năm). Tỉ lệ sinh viên (SV) hệ chính quy, tập trung tăng lên trong khi số lượng SV hệ phi chính quy giảm dần.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012, cả nước có 2.204.313 SV, tăng 2% so với năm học trước và giảm 3,5 lần so với mức tăng quy mô đào tạo trước khi có Nghị quyết của Quốc hội. Số lượng SV hệ chính quy của năm học 2011-2012 là 1.741.999 người, chiếm 79% tổng quy mô đào tạo, tăng 16% so với năm học 2007-2008. Tỉ lệ SV hệ vừa học vừa làm giảm nhanh từ 487.491 SV, chiếm 36,4% vào năm học 2009-2010 xuống còn 457.795 SV, chiếm 32,4% tổng quy mô đào tạo năm học 2010-2011 và chỉ còn 28,23% (401.192 SV) vào năm học 2011-2012.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng quy mô hiện nay vẫn còn cao so với khả năng đáp ứng của các điều kiện bảo đảm chất lượng, dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế, đặc biệt là việc đào tạo trình độ cao.
Cụ thể, năm học 2011-2012, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở GDĐH là 96.370 học viên, trong đó nghiên cứu sinh là 6.441 người, chiếm tỉ lệ 7% và học viên cao học là 89.923 người, chiếm tỉ lệ 93%.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 1002 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được kiểm tra, rà soát trong năm 2012 có tới 161 chuyên ngành thuộc 50 cơ sở GDĐH đào tạo thạc sĩ không đảm bảo điều kiện theo quy định (số lượng GV cơ hữu có trình độ tiến sĩ cùng ngành hoặc đúng chuyên ngành; không tuyển được học viên trong 3 năm liên tiếp,…). Nhiều cơ sở đào tạo đã xác định năng lực đào tạo cao học thạc sĩ vượt quá năng lực về đội ngũ, đặc biệt là ở ngành đào tạo thạc sĩ về quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, một số cơ sở GDĐH thực hiện liên kết đào tạo thạc sĩ tại địa phương trái với quy định và không đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Công tác tổ chức và quản lý đào tạo tiến sĩ của nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu sót như chưa công khai nội dung luận án, thiếu cụ thể trong khẳng định những điểm mới của luận án…
Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH mặc dù đã được cải thiện song nhìn chung còn yếu kém, trang thiết bị còn lạc hậu. Việc đầu tư ngân sách Nhà nước theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và dài hạn để hình thành một số một số trường ĐH chất lượng cao, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng còn chưa được triển khai mạnh mẽ.
Quá ít giảng viên trình độ cao
Hầu hết các cơ sở GDĐH đều đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng, thu hút, phát triển đội ngũ GV. Nhiều cơ sở đào tạo đưa ra những chính sách khuyến khích về vật chất như hỗ trợ, ưu đãi về lương, thưởng, hỗ trợ khuyến khích học tập nâng cao trình độ hoặc bố trí nhà công vụ cho GV trẻ…
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm học 2011-2012, đội ngũ GV cơ hữu của tất cả các cơ sở GDĐH trong cả nước là 84.109 người, tăng 37,45% (22.919) người; số lượng GV có trình độ trên đại học là 45.512 người, tăng 56,67% so với năm học 2008-2009. Mặc dù vậy, quy mô đội ngũ GV vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng quy mô đào tạo. Tỉ lệ đội ngũ GV có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn thấp. Hiện toàn ngành chỉ có 286 GV có chức danh giáo sư (0,5%), 2009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%) và 28.037 thạc sĩ (47,0%).
Quy mô giảng viên các trường đại học, cao đẳng. (Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Việc tuyển dụng GV, nhất là GV có trình độ cao của các cơ sở GDĐH mới thành lập, đặc biệt là các trường ngoài công lập và các trường của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều trường chưa thực hiện đúng cam kết thành lập trường về tuyển dụng đội ngũ GV cơ hữu đủ bảo đảm giảng dạy 70% chương trình theo quy định. Một số trường có số lượng GV cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người như Trường ĐH Thành Đông, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường CĐ Công nghiệp Cao su, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi...
Tỉ lệ SV trên GV cơ hữu và hợp đồng dài hạn ở nhiều trường vẫn còn cao, thậm chí rất cao như Trường ĐH Văn Hiến: 95SV/GV; Trường ĐH Phú Xuân: 66,8SV/GV... Nhiều ngành đào tạo chưa có GV có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng quy định (Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Tiền Giang, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội,…
Đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng giảng viên hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị với Chính phủ: “Hỗ trợ cho các trường mới thành lập và trường ngoài công lập trong việc đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ; nghiên cứu hình thức phân bổ chỉ tiêu đào tạo nâng cao trình độ GV và cán bộ quản lý GDĐH (theo Đề án đào tạo GV có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) cho các trường thuộc địa phương, các trường ngoài công lập thay vì chỉ thi tuyển như hiện tại”.
Theo Báo Dân trí