1

Tin Tức Các Báo

In

“Thê thảm” Cao đẳng mùa tuyển sinh 2013

Cập nhật 17/05/2013 - 02:03:53 PM (GMT+7)

Tổ chức thi nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường dưới chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao, đó là thực trạng của nhiều trường cao đẳng hiện nay đang gặp phải.

Phòng thi vào trường một cao đẳng năm 2012

Trường Cao đẳng Thống kê năm nay nhận được hơn 800 hồ sơ giảm hơn rất nhiều so với năm 2012, trong khi đó chỉ tiêu bộ giao tuyển là 700. Lãnh đạo nhà trường, cho biết: "Chúng tôi lo năm nay sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu vì số lượng hồ sơ đăng ký như vậy nhưng đến thi chỉ khoảng 60 - 70% hồ sơ đăng ký".

“Chính quy định liên thông mới đã làm cho hệ cao đẳng rơi vào tình cảnh khó khăn như thế này. Bên cạnh đó, chính nhiều trường ĐH Dân lập ra đời đã tìm đủ mọi cách tung đủ “chiêu” để hút thí sinh” - lãnh đạo trường CĐ Thống kê cho biết khi nói về nguyên nhân hồ sơ sụt giảm.

"Thê thảm" hơn là trường Cao đẳng Thủy sản, theo cán bộ phòng đào tạo nhà trường, tổng số hồ sơ trường nhận được là 203 bộ, trong khi đó chỉ tiêu là 400. Được biết năm 2012, trường nhận được 400 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng số lượng thí sinh đến thi và xét tuyển vào trường chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu mà bộ giao.

Để cứu vớt tình trạng này, từ đầu tháng 3, khi các thí sinh bắt đầu nghiên cứu để nộp hồ sơ ĐKDT, trường đã khoán cho cán bộ trong trường mỗi người ít chỉ tiêu đi tuyên truyền về ngành nghề đào tạo của nhà trường để vận động thí sinh đăng ký dự thi.

Cán bộ phòng đào tạo cho hay, nhà trường cũng tìm mọi cách để tuyên truyền, vận động tuyển sinh vào trường nhưng nếu không đạt đành chấp nhận và chờ tuyển NV2, NV3.

Đưa ra nguyên nhân vì sao khó tuyển, vị cán bộ này cho biết, cũng lý do là nhiều trường đại học dân lập ra đời nên nhiều thí sinh “chê” cao đẳng. Bên cạnh đó là quy định liên thông mới đã làm các trường cao đẳng địa phương không tuyển đủ thí sinh.

Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị, số lượng hồ sơ dự thi năm nay nhận được khoảng 2.000 bộ, giảm nhiều so với năm trước mà chỉ tiêu của trường đã là 1.600. Theo trưởng phòng đào tạo nhà trường dự đoán sẽ không tuyển đủ và trông chờ vào NV2,NV3.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi theo khối ở hệ CĐ năm 2013 tỷ lệ giảm đến 13% so với năm 2012 ở khối A.

Được biết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT nhằm quản lý chặt công tác đào tạo liên thông, theo thống kê, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi liên thông năm 2013 là 16.710, trong đó liên thông lên ĐH là 13.295; liên thông lên CĐ là 3.415.

Do các trường thiếu sức hút

Nhận định về tình hình hồ sơ sụt giảm năm nay, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo nhà trường người đã có thâm niên trong tuyển sinh nhận định: “Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay giảm là giảm số hồ sơ “ảo” nên không có thay đổi lớn. Số hồ sơ giảm là do học sinh đã cân nhắc và thận trọng hơn. Thay vì nộp nhiều bộ hồ sơ vào nhiều trường đại học hay cao đẳng, năm nay nhiều thí sinh chọn 1 trường để nộp hồ sơ cho đỡ tốn tiền rồi xét tuyển sang trường khác. Đối với các trường cao đẳng nhận được ít hồ sơ là do thay đổi chính sách liên thông thí sinh chỉ nộp hồ sơ đại học và xét tuyển vào hệ cao đẳng. Năm nay các trường cao đẳng chỉ chờ vào xét tuyển NV2, NV3”.

Được biết, trường ĐH Mỏ Địa chất năm nay số lượng hồ sơ cũng bị giảm khoảng 2.000 bộ hồ sơ. Tổng số hồ sơ trường nhận được là 11.000.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, số hồ sơ đăng ký dự thi giảm đã cho thấy tác động tích cực, có hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường và các cơ quan báo chí, để thí sinh có cân nhắc, lựa chọn đúng đăng, phù hợp hơn trong đăng ký dự thi.

Nói về nguyên nhân không tuyển đủ chỉ tiêu ở một số trường hoặc tuyển được số lượng thí sinh ít, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết: “Do các trường không có sức hút đối với thí sinh, chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong xã hội. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được chuẩn bị đầy đủ, thiếu thốn. Các ngành đào tạo đơn điệu. Một số trường đóng ở các địa phương, tỉnh lẻ, không xa so với các đô thị, thành phố lớn. Bên cạnh đó, thí sinh ở các địa phương vùng cao, vùng sâu lại có nguyện vọng về học các trường ở thành phố lớn, có cơ hội học thêm, làm thêm và kiếm việc làm. Một số trường công lập lớn đã tuyển vượt chỉ tiêu làm cho nguồn tuyển các trường khác bị hạn chế ”.

(Theo Báo Dân Trí)