Gương Sáng
InRơi nước mắt chuyện cô bé lớp 8 bán tóc mua thuốc cho mẹ
Cập nhật 07/05/2013 - 09:02:34 AM (GMT+7)Hoàn cảnh gia đình túng bấn, mẹ nằm liệt giường, bố bỏ nhà đi biệt tích, nên em đã giấu mọi người đi bán mái tóc dài chấm thắt lưng của mình lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Tấm gương hiếu thảo của cô bé học lớp 8 đã khiến không ít người rơi nước mắt.
Chuyện buồn của một người mẹ
Chúng tôi tìm đến để tìm gặp em Lê Thị Lâm (HS lớp 8, Trường THCS Thanh Thịnh, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong một căn chòi lợp bằng lá dừa nằm giữa đồng vắng. Mặc dù được nhiều người dân chỉ dẫn tận tình, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến tận mắt hoàn cảnh của bốn mẹ con.
Trong căn chòi rách nát, chị Trịnh Thị Vân, mẹ của Lâm khó khăn lắm mới tiếp chuyện được với chúng tôi, bởi ngoài căn bệnh tâm thần, chị còn bị viêm đại tràng, viêm cột sống và thoái hóa đốt sống lưng hành hạ hơn 7 năm nay. Không nén nổi những giọt nước mắt, chị kể lại cuộc đời như một mảng tối buồn của mình.
Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em ở xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An), từ nhỏ, chị đã chứng kiến những bất hạnh của gia đình khi người mẹ của mình mắc chứng bệnh thần kinh lúc mới ngoài 30 tuổi.
Đến lúc chị tròn 16 tuổi thì nỗi đau thực sự mới ập đến, khi người cha, trụ cột gia đình, mất trong một vụ tai nạn lao động. Chị Vân đành bỏ ngang giấc mơ làm cô nuôi dạy trẻ, vào Lâm Đồng làm thuê cho người bà con. Tại đây, chị đã gặp người đồng hương là anh Lê Văn Hồng, quê xã Thanh An. Anh Hồng đã có một người vợ và 2 đứa con, song cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc nên hai người đã ly thân từ nhiều năm nay.
Chốn đất khách quê người, thiếu thốn tình cảm, chị Vân đã đem lòng yêu anh Hồng và hai người về ở với nhau mà không có bất cứ sự ràng buộc pháp lý nào. Sau 10 năm gắn bó với nhau, hai anh chị đã có 3 mặt con.
Hơn mười năm, hai người tích cóp được chút tiền, nhưng lại một lần nữa, bất hạnh giáng xuống đời chị khi anh Hồng đi làm bị ngã gãy chân, phải nhập viện điều trị hơn một tháng trời. Số tiền 10 triệu đồng tích cóp được bỗng chốc hết veo. Cơm áo gạo tiền bám riết khiến cuộc sống gia đình thêm nặng nề. Tủi cực hơn nữa, trong một lần cãi nhau, anh Hồng đã bỏ nhà đi.
Từ bấy đến nay, đã gần 7 năm trôi qua, anh bặt vô âm tín, chị có chồng như không, các con chị có cha mà như những đứa trẻ mồ côi. Không thể tiếp tục sống ở Lâm Đồng, chị Vân đưa các con về quê, hy vọng được sống cùng mẹ anh Hồng. Nhưng vì từng không đồng tình về mối tình của con trai và chị Vân từ trước, bà rộng tay đón những đứa cháu nội nhưng không chấp nhận chị Vân.
Chị Vân phải về quê nương nhờ các em của mình tại xã Thanh Thịnh. Vợ chồng người em gái thương tình cho chị mượn đất, anh em giúp đỡ dựng cho chị chiếc lều tranh để chị lại tiếp nối những ngày làm thuê. Ba chị em Lâm mặc dù được bà nội thương yêu, nhưng lực bất tòng tâm, bà không thể nuôi nổi các cháu. Chị Vân phải đón các con về cùng tá túc trong lều tranh, cơm cháo nuôi nhau. Ngày lại ngày, chị Vân vất vả làm lụng mà không đủ ăn. Bản thân chị sức khỏe yếu nên thường đau ốm.
Từ ngày chồng bỏ nhà đi, chị Vân buồn tủi, ức chế tâm lý nên đã đổ bệnh. Trước đó, chị cũng đã vài lần phải nhập viện song lần này, chị suy sụp hẳn, bệnh tật tấn công liên miên khiến chị ngã khụy. Đã nhiều lần, chị đã phải nhập viện điều trị căn bệnh tâm thần, viêm đại tràng, viêm cột sống và thoái hóa đốt sống lưng.
“Suốt nhiều năm, mẹ nó ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, hết bệnh viện huyện rồi đến tỉnh, cứ thế nó đưa mẹ đi chữa bệnh, ruộng vườn, nhà cửa, tất cả đều đã bán sạch. Nhưng không thấm vào đâu…” - bà Năm, người hàng xóm cho biết.
Nhiều năm nay, trong căn chòi của mấy mẹ con em Lâm ở xóm 2 nhiều người đã không khỏi chạnh lòng trước cảnh vợ không chồng, con không cha, bốn mẹ con rau cháo nuôi nhau trong căn nhà chẳng khác gì “cái chòi” giữa đồng vắng. Khi chúng tôi đến nhà mới hay em Lê Thị Lâm vừa tham dự kỳ thi học sinh giỏi của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Địa điểm thi cách xa trường gần 15 cây số, nhưng em vẫn phải gồng mình trên chiếc xe đạp cà tàng, tự mình vượt vũ môn trong gian khó để đạt được giấc mơ của mình.
Hai chị em Lâm và Lê Mạnh Hùng (SN 2001), học sinh lớp 5A Trường tiểu học Thanh Thịnh từ khi biết cắp sách đến trường đến nay năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Còn chị gái đầu là Lê Thị Giang (SN 1997, đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Thanh Chương I), trong thời gian chị nằm viện điều trị bệnh tâm thần, Giang đã phải bỏ học để chăm mẹ, chăm em. Thế nhưng, Giang cho biết, nếu có điều kiện sẽ đi học lại, dù có muộn cũng còn hơn không.
Khi chúng tôi hỏi chuyện con gái bán tóc lấy tiền mua thuốc cho mình, chị Vân trào nước mắt: “Tôi đâu có biết nó đi bán tóc đâu. Nếu biết tôi đã không cho nó làm thế. Nó thương tôi lắm, lúc ấy cần tiền mua thuốc mà nhà không có nổi một nghìn bạc. Nó giấu tôi đi bán tóc cho người ta, đến lúc thấy tóc nó cụt ngủn, tôi hỏi thì nó chỉ bảo tóc bị cháy nên cắt đi cho ngắn thôi!”.
Mái tóc Lâm bây giờ đã đỡ thưa thớt vót nhọn hơn hồi em mới cắt để bán. Ngồi bên mẹ, em nức nở kể về hoàn cảnh gia đình; về bà nội và người bố đáng thương, đáng giận; về người mẹ ốm đau tội nghiệp khiến chúng tôi lặng đi vì xúc động.
Xúc động hơn khi Lâm kể việc bán cả mái tóc đẹp của mình với giá chỉ 150.000 đồng để lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ… Khi đó, mẹ em phải nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An để điều trị. Sau 35 ngày nằm tại đây, dù bệnh tình chưa thuyên giảm, song không còn tiền để tiếp tục ở lại nên chị Vân đã tìm cách trốn về. Vì bỏ dở phác đồ điều trị nên trở về nhà, chị Vân vẫn không ngừng la hét, đập phá đồ đạc và đi lang thang.
Thời điểm này, chị gái học xa nhà, em trai nhỏ dại nên mình Lâm sớm tối chăm sóc mẹ, tận mắt chứng kiến những cảnh đó, lòng em đau đớn vô cùng. Để điều trị cho mẹ thì cần có thời gian và tiền bạc. Thời gian thì có, nhưng tiền bạc lên đến hàng trăm triệu đồng thì mấy chị em không biết chạy đâu ra. Nhà cửa thì chẳng ai mua. Mấy sào ruộng và đất canh tác trồng sắn thì bạc màu đã bán để chữa bệnh cho mẹ từ lâu.
Cuộc sống hàng ngày cùng với tiền thuốc men mấy chị em phải chạy vạy vay mượn bà con hàng xóm và đi làm thuê cũng chưa đủ. Nhà chỉ có mấy mẹ con, nếu mẹ cũng quỵ, sẽ chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mấy chị em nữa.
Một lần, có người quen đến thăm, nghe họ nói chuyện với nhau, bệnh của mẹ em, chỉ cần cắt mấy liều thuốc nữa uống là sẽ đỡ ngay. Biết là vậy nhưng gia cảnh lúc bấy giờ, đến gạo còn không có để ăn huống hồ nghĩ đến chuyện cắt thuốc.
Cho đến một sáng nọ, khi Lâm nghe văng vẳng tiếng rao của mấy người đi thu mua tóc dài, không cần nghĩ ngợi nhiều, nhìn mẹ đang nằm trên giường bệnh, Lâm đã chạy ù ra đầu ngõ kêu người đi mua tóc. Khi nghe người này định giá mái tóc của mình được trả 150.000 đồng, Lâm mừng rỡ gật đầu đồng ý ngay, bởi với em, đó là số tiền lớn, đủ để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Dù đã thỏa thuận là cắt ngang vai, song khi về nhà soi lại gương, thấy mái tóc dài của mình đã bị cắt ngắn cụt ngủn, một cảm giác tủi phận ùa đến, Lâm chạy ra góc sân khóc thầm.
Chị Vân, khi đã hiểu ra cơ sự, vừa thương lại vừa giận. Cầm số tiền từ việc bán tóc của con gái, người mẹ khốn khổ nghẹn đắng lòng mình, chỉ biết ôm con mà khóc trong tủi phận, đắng cay số kiếp. Lâm bảo dù đó là một quyết định rất khó khăn vì em rất yêu quý mái tóc của mình. Nhưng giờ chưa làm được việc gì kiếm tiền giúp mẹ, ngoài việc gắng học thật giỏi, em chỉ còn biết làm vậy. Không nỡ nhìn mẹ một mình chống chọi với bạo bệnh nên em muốn làm một việc gì đấy, dù rất nhỏ để cứu mẹ qua cơn khốn khó.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thịnh xúc động kể: “Ngày Lâm trở lại trường, mái tóc dài đen mượt của em biến mất. Khi nghe em cho biết sự tình, cô trò ôm lấy nhau trong nước mắt. Tin về cô bé học sinh bán tóc lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ làm xúc động bao người. Trường THCS Thanh Thịnh đã nêu gương em cho toàn trường học tập!”.
Cô giáo Mai cũng cho biết thêm, Lâm là học sinh nghèo nhất trong số những học sinh nghèo của trường, nhưng lại học giỏi toàn diện và ngoan ngoãn, nổi trội nhất là môn tiếng Anh, giải 3 vở sạch chữ đẹp, nên em được cô thầy bạn bè thương mến. Để động viên và nuôi dưỡng học sinh nghèo, học giỏi chăm ngoan, chính quyền địa phương và nhà trường đã dành nhiều sự giúp đỡ cho Lâm, như miễn các khoản đóng góp theo quy định của Hội đồng Nhân dân xã, quyên góp ủng hộ để em có điều kiện dự thi giải toán và tiếng Anh qua mạng. Kết quả các cuộc vận động "Ngày vì bạn tôi", nhà trường đã ưu ái nhiều hơn cho Lâm...
Theo cô giáo Mai thì mặc dù đã rất cố gắng, nhưng những sự giúp đỡ ấy của giáo viên, học sinh ở một vùng quê nghèo như xã miền núi Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương cũng chỉ là nhỏ nhoi. Ưu ái dành cho Lâm trong cuộc vận động "Ngày vì bạn tôi" mới đây cũng chỉ là 100.000 đồng (những bạn nghèo khác là 50.000 đồng).
Món quà lớn nhất lâu nay mà em nhận được là 1.000.000 đồng phát động dành cho em tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn huyện mà em là đại biểu tham dự, cùng một chiếc chăn bông trị giá 500.000 đồng của doanh nhân Đình Lâm, Trưởng đại diện thang máy Thiên Nam tại Nghệ An gửi tặng em trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Thương Lâm, cô Hiệu trưởng Mai ngỏ lời mời em tới ăn, ở học hành tại nhà cô, hằng ngày cô trò cùng đến trường, nhưng thương mẹ, chị và em, Lâm đã không chấp nhận sung sướng một mình.
“Một học sinh nghèo học giỏi và có tấm lòng như Lê Thị Lâm thật đáng quý!” - Cô Mai xúc động nói.