Kinh Nghiệm Ôn Thi
InKinh nghiệm ôn thi cho những teen “học chậm”
Cập nhật 03/05/2013 - 09:17:48 AM (GMT+7) “Học chậm” ở đây được hiểu là những bạn tiếp thu bài chậm hơn các bạn khác, nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”. Thế nên, với những bạn ấy, chăm chỉ chính là cách để tiếp cận và nắm bắt được với bài học và những kiến thức được truyền thụ.
Mọi người vẫn có câu “chậm mà chắc”, tuy nhiên muốn chắc thì cũng phải có phương pháp. Dưới đây là một số tips nhỏ hướng dẫn cách ôn luyện hiệu quả cho những teen học chậm.
Chăm chỉ chép bài đầy đủ
Chép bài đầy đủ là một trong những bí quyết để thành công. Lượng kiến thức trong sách là rất nhiều, có những phần quan trọng nhưng cũng không thiếu những chi tiết nhỏ, phụ, không cần thiết. Nếu teen mình học theo sách thì sẽ mất nhiều thời gian chọn lọc thông tin hơn là việc học theo vở ghi trên lớp bởi đa số những gì được các giáo viên truyền tải trên lớp đều là những kiến thức quan trọng, hơn nữa, giáo viên còn thường cung cấp thêm cho học sinh nhiều ví dụ minh họa hoặc ứng dụng kiến thức đó vào thực tiễn đời sống. Một lần chép là một lần học, do đó teen mình đừng lười chép nhé.
Sổ nhỏ ghi chép
Với những môn tự nhiên, các bạn nên có một cuốn sổ nhỏ ghi chép lại những công thức tính toán để tiện mỗi khi sử dụng. Thường là khi làm đề thi sẽ phải sử dụng rất nhiều tới các công thức, nếu so sánh giữa việc mở vở ra tìm thì việc sử dụng một cuốn sổ ghi chép sẽ công dụng hơn rất nhiều: vừa dễ tìm lại vừa dễ nhớ.
Thêm vào đó, các bạn cũng nên sử dụng bút nhớ. Bút nhớ giúp đánh dấu những phần quan trọng. Nếu chỉ sử dụng một loại mực duy nhất thì khi muốn tìm những chú ý quan trọng trong bài sẽ rất mất thời gian và khó nhìn. Thay vào đó, hãy sử dụng bút nhớ để việc lưu ý những chi tiết quan trọng trong bài trở nên dễ dàng hơn nhé.
Làm bài tập đầy đủ
Chăm đủ chép bài rất quan trọng nhưng làm bài tập ứng dụng trong sách còn quan trọng hơn. Bạn không thể chỉ nắm vững lý thuyết mà lại không biết áp dụng vào bài tập. Một người được coi là hiểu bài là một người biết vận dụng những lý thuyết mình học vào bài tập. Muốn được như vậy thì bạn phải thường xuyên làm bài tập, chỉ có luyện thường xuyên thì các dạng bài mới trở nên nhuần nhuyễn.
Học thuộc ư? Dễ thôi! Kiên trì nhé
Bạn không có khả năng đọc 1, 2 lần là nhớ nhưng bạn có thể kiên trì đọc 4, 5 lần, thậm chí là 6, 7 lần. Không nên nản lòng trước những môn học thuộc lòng mà buông xuôi trong chờ vào “tủ” hoặc copy tài liệu. Thói quen kiên trì không những giúp bạn học được bài một cách thoải mái, không bị ức chế mà còn giúp bạn ở rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.
Không hiểu phải hỏi ngay
Trong quá trình học tập, có những bài tập bạn không thể tự mình giải quyết được, mình ngại hỏi bạn bè hay thầy cô. Sẽ chẳng ai cười một người học chậm nhưng có ý chí, muốn hiểu bài, họ sẽ chỉ cười những bạn đã chậm nhưng lại hay giấu dốt thôi. Nếu đã không hiểu mà lại không hỏi thì mãi mãi bạn sẽ không hiểu được vấn đề đó. Trước mắt thì không sao nhưng biết đâu đến lúc thi cử lại rơi vào những phần đó thì gay go to. Mà những kiến thức trong sách thường móc nối với nhau, thậm chí còn liên quan trực tiếp với nhau nên nếu không hiểu phần nào mà không giải quyết ngay thì những phần sau có thể bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng bế tắc.
(Sưu Tầm)