1

Gương Sáng

In

Làm thuê mơ vào trường luật

Cập nhật 02/05/2013 - 08:22:06 AM (GMT+7)

Trời nắng gắt, Thanh đưa bàn tay chai sần lên chùi những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt. Mỗi ngày Thanh làm tám giờ, xong vội vã tắm rửa cơm nước kịp đến lớp bổ túc. Học xong, Thanh về nhà trọ, cặm cụi làm bài đến khuya. 6g sáng hôm sau Thanh vội vã đến chỗ làm...

Thanh làm thêm để đeo đuổi việc học. Sau kỳ thi tốt nghiệp, Thanh sẽ thi vào ngành luật


Đó là lịch sinh hoạt hằng ngày của chàng thanh niên 19 tuổi Võ Nhựt Thanh.

Nghỉ học vì thương mẹ cha

Năm Thanh học lớp 10, cha mẹ Thanh từ ấp Định Phú, xã Định Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) lên Bình Dương bán quán cơm sau mấy năm làm ăn lỗ lã ở quê. Thanh ở nhà cùng với bà ngoại. Cha mẹ Thanh nhín ăn nhín mặc để mỗi tháng gửi tiền về cho hai bà cháu. Được một thời gian, việc buôn bán lại ế ẩm, họ đành phải ngưng bán với món nợ mới chồng món nợ cũ gần cả trăm triệu đồng. Mẹ xin làm tạp vụ ở nhà hàng, còn cha chuyển sang làm công nhân cạo mủ cao su rồi làm ở công ty nhựa với tiền công ăn theo sản phẩm. Công việc của cha lúc có lúc không, tiền lương của mẹ chỉ đủ tiện tặn cho hai vợ chồng sinh sống, cộng thêm với việc trả lãi hằng tháng khiến họ không đủ gửi về cho hai bà cháu ở quê. Đôi lúc quá thắt ngặt, họ phải vay mượn gửi về. Lúc này Thanh đang học lớp 12 được vài tháng.

Có lần gặp người quen làm ở Bình Dương về thăm, Thanh ghé hỏi thăm tình hình cha mẹ. Nghe nói công việc cha làm rất cực, Thanh lặn lội đi thăm. Và rồi tận mắt chứng kiến cảnh khổ cực của bậc sinh thành, Thanh sững sờ bật khóc: mẹ gầy nhom, mệt mỏi; còn cha hốc hác, đầu ngón tay bị lở loét do tiếp xúc lâu ngày với mủ cao su... Thanh dằn lòng quyết định: ngưng học, kiếm việc làm nuôi bản thân mình để cho cha mẹ nhẹ gánh...

Thanh nói về quyết định của mình: “Hằng tháng đóng tiền lãi cha mẹ cũng đuối, nói gì đến trả nợ gốc. Rồi lại thêm chạy vạy vay tiền gửi cho mình. Với cái đà làm việc như vầy, cha mẹ sẽ gục mất... Ước mơ trở thành luật sư đối với mình rất quan trọng nhưng sức khỏe cha mẹ quan trọng hơn. Mình không thể ích kỷ...”. Tuy nhiên Thanh cũng trăn trở: nếu nghỉ học tương lai mình ra sao? Sau này không có nghề nuôi mình còn không nổi, chứ đừng nói đến việc phụng dưỡng cha mẹ. Làm sao vẫn đi học nhưng không để cha mẹ nặng gánh?... Nghĩ thế nên Thanh chọn học hệ bổ túc.

Thanh vạch kế hoạch: ngày đi làm, tối đi học bổ túc văn hóa. Trước mắt tạm thời nghỉ học một năm kiếm tiền đóng học phí. Thanh không cho cha mẹ biết bởi sợ mọi người sẽ ngăn cản.

Long đong vẫn không bỏ học

Sau đó Thanh rời quê lên TP Cần Thơ bởi ở đây có nhiều việc, dễ làm kiếm tiền và có cả trung tâm giáo dục thường xuyên cho Thanh vừa học vừa làm. Tại đây, Thanh làm đủ thứ việc từ phụ quán, phụ hồ, đến tiếp thị... Những tháng đầu làm thuê, Thanh hỏi chủ xin cho được tá túc để tiết kiệm khoản tiền nhà trọ, bù lại Thanh chấp nhận làm suốt ngày đêm. Còn khi làm phụ hồ, Thanh giăng mùng ngủ tại công trình. Thanh cười: “Các công việc em làm thu nhập tròm trèm 2 triệu đồng/tháng nên chịu khó, nhín mỗi tháng 100.000 đồng bỏ ống heo dành đóng học phí”. Tháng 8-2012, trung tâm giáo dục thường xuyên mở lớp khai giảng niên học mới, và Thanh bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình: trở lại học tiếp lớp 12 qua con đường bổ túc. Và lúc này số tiền “bỏ ống heo” được hơn 1 triệu đồng, Thanh dùng đóng học phí, mua sách vở...

Thanh quay lại con đường học vấn sau một năm gián đoạn với bao cảm xúc khó tả. Đó là những cảm giác phấn chấn, hạnh phúc vì Thanh đã có thể tự kiếm tiền theo việc học. Cảm giác thấy mình đang chạm tay vào từng bước của kế hoạch: học bổ túc, lấy bằng tốt nghiệp, thi vào đại học ngành luật.

Cả tuần ngoại trừ thứ bảy, chủ nhật được nghỉ, những ngày còn lại phải học xuyên suốt từ 18g30-21g. Để thuận tiện cho việc học, Thanh tìm công việc chỉ làm ban ngày là bốc vác ở một công ty thực phẩm. Mỗi sáng Thanh vác 2 tấn thực phẩm lên xe. Chiều kiểm tra hàng, cũng bằng số ấy, vác vô nhà kho. Có những buổi không kịp ăn uống, Thanh phải vội vã đạp xe đến lớp nhưng cũng trễ học, có những buổi phải nghỉ học... Thấy việc làm ảnh hưởng quá nhiều đến chuyện học, Thanh xin chân giao hàng ở một tiệm kính. Dù chủ tiệm thương tình chỉ cho Thanh theo xe giao hàng ở các tỉnh gần để kịp giờ buổi học, nhưng thỉnh thoảng có những lúc đi giao hàng ở tỉnh xa về không kịp phải đến lớp muộn. Làm ở tiệm kính được vài tháng, chẳng may Thanh mất xe đạp. Nghỉ gần tuần, vay mượn sắm xe mới, quay lại làm thì mất việc. Bạn bè giới thiệu đến công ty chuyên làm bảng quảng cáo, panô... Thanh được nhận vào khâu làm khung với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Việc học cũng dần ổn định hơn... Ba chìm bảy nổi, long đong lận đận mà Thanh vẫn quyết tiếp tục bước chân đến lớp!

Thanh tâm sự: “Đầu tháng 6 thi tốt nghiệp nên có lẽ trong tháng 5 mình ngưng làm, tập trung cho kỳ thi, ráng lấy được bằng tốt nghiệp. Sau đó sẽ vừa học vừa làm thêm thực hiện được ước mơ trở thành luật sư. Có thể con đường mình đi vòng xa hơn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng mình sẽ cố...”.

Rớt nước mắt vì con

Khi chúng tôi đến nhà Thanh ở Lai Vung, Đồng Tháp, ông Võ Ngọc Tín đang chăm sóc vườn rau, giọng ông buồn buồn: “Vợ chồng tui chỉ có mình thằng Thanh, vậy mà lo không nổi, tủi thân lắm”. Ngày hay tin Thanh nghỉ học, ông vừa thương vừa giận con, vừa tự trách bản thân mình. Rồi Thanh khóc xin lỗi, bàn rằng: “Cha mẹ về quê, ở nhà còn một công đất trồng rau, chắc cũng sống đủ. Vả lại bà ngoại già rồi không ở nhà một mình được. Phần con chuyện học hành con lo được”. Nghe con nói mà vợ chồng ông rớt nước mắt.

Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp bổ túc ban đêm thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, tâm sự cô biết hoàn cảnh của Thanh sau những tuần chủ nhiệm đầu tiên. Thanh rất siêng học, nhưng có lúc vào lớp trễ, bơ phờ, có lúc ngủ gục trong lớp... Biết Thanh vừa học vừa mưu sinh, từ đó cô luôn động viên, giúp đỡ. “Ở tuổi em mà phải xa nhà, tự bươn chải nuôi việc học thì đáng khâm phục” - cô Hằng bộc bạch.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)