Gương Sáng
InTình nguyện ra Trường Sa dạy học
Cập nhật 25/04/2013 - 10:52:07 AM (GMT+7)Hay tin tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên công tác tại Trường Sa, nhiều bạn trẻ đã viết đơn tình nguyện, bày tỏ khát khao được đứng trên bục giảng giữa vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
“Thật hạnh phúc khi ngày 21-4, Trường Sa đã khánh thành trường tiểu học đầu tiên, học sinh ở huyện đảo đã có trường học kiên cố rồi. Từ khi nộp đơn đến giờ, tôi hồi hộp chờ đợi kết quả xét tuyển giáo viên cho Trường Sa từng ngày và mơ ước được đến dạy ở ngôi trường mới ấy” - Nguyễn Ngọc Hạ, một ứng viên xin đi dạy học ở Trường Sa, thổ lộ.
Ước mơ cháy bỏng
Nguyễn Ngọc Hạ và các học trò nhỏ của anh ở Trường tiểu học Vạn Phú 1
Hạ, 23 tuổi, quê xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, hiện là giáo viên hợp đồng tại Trường tiểu học Vạn Phú 1 (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh). Hạ nói trong những giấc mơ của mình, anh thường thấy đang cầm phấn trắng dạy học ở huyện đảo xa xôi, bên dưới là những học trò nhỏ mặc đồng phục giống như trang phục của các chiến sĩ Trường Sa! “Từ nhỏ tôi đã sống với biển, yêu biển, biết nhiều thông tin về Trường Sa nhưng chưa một lần đặt chân đến quần đảo “xa mà gần” này của quê hương Khánh Hòa, của Tổ quốc. Coi tivi, đọc báo thấy cô giáo Nhung hay các thầy giáo khác đang giảng dạy cho các cháu nhỏ ở Trường Sa, tôi ước mơ mình được đến đó làm thầy giáo” - Hạ nói.
Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm vào cuối năm 2012 cũng là lúc Hạ được một cô giáo cũ cho biết Sở Giáo dục - đào tạo Khánh Hòa đang tuyển hai giáo viên tiểu học cho Trường Sa, anh đạp xe đến sở ngay để tìm hiểu thông tin dù lúc bấy giờ thông báo tuyển giáo viên chưa chính thức công bố. “Ban đầu sở chỉ thông báo tuyển hai giáo viên nam, nhưng vào tháng 3-2013 thì có thông báo mới là tuyển sáu người, cơ hội rộng hơn. Tôi bây giờ giống như một thí sinh đi thi đang hồi hộp chờ kết quả” - Hạ tâm sự.
Đồng Minh Hiệp, 22 tuổi, ở xã Diên Điền (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), bạn cùng khóa giáo dục tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang với Nguyễn Ngọc Hạ, cũng có tâm trạng tương tự. “Được đến Trường Sa dạy học là ước mơ đã cháy bỏng chắc không phải riêng tôi mà của nhiều giáo viên khác. Tôi chọn học sư phạm tiểu học chứ không phải ngành nghề nào khác cũng để hi vọng sẽ đến được Trường Sa, nơi có những học trò nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5 đang chờ đón những giáo viên trẻ như chúng tôi” - Hiệp bày tỏ.
Hiệp kể từ khi tốt nghiệp cao đẳng, anh chỉ gửi đơn xin đi dạy học tại Trường Sa, không xin ở trường nào trong đất liền. Hiện nay, Hiệp đang đi làm gia sư ở thị trấn Diên Khánh mỗi tuần ba buổi “để lấy kinh nghiệm”. Hằng ngày, ngoài phụ giúp gia đình, khi rảnh rỗi Hiệp thường trau dồi thêm kiến thức sư phạm, “nạp” thêm thông tin về Trường Sa từ báo, đài, Internet “để nếu có đến với Trường Sa thì ngay lập tức trở thành công dân của huyện đảo, không lạ lẫm và bỡ ngỡ”.
Ông Đồng Tâm, cha Hiệp, nói: “Khi nghe Hiệp bày tỏ xin đi Trường Sa dạy học, tôi và bà xã đồng ý liền. Cả nhà tôi mong cháu có cơ hội đến với huyện đảo để trau dồi và được trui rèn thành một thanh niên vững vàng. Nếu không trực tiếp cầm súng giữ Trường Sa, thì những thanh niên như Hiệp cũng góp phần xây dựng Trường Sa vững mạnh, phát triển”.
Tâm thư của cô giáo trẻ
Dù các thông báo của Sở Giáo dục - đào tạo Khánh Hòa nêu rõ chỉ tuyển giáo viên là người thường trú ở Khánh Hòa, là nam; nếu là nữ thì phải có chồng đang sinh sống hoặc công tác dài hạn ở Trường Sa, nhưng không ít cô gái trẻ đã viết đơn tình nguyện xin đi dạy học ở huyện đảo này.
Nguyễn Thị Thanh Trúc với các học trò nhỏ nơi cô thực tập làm giáo viên tại TP Thủ Dầu Một
Từ TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), bạn Nguyễn Thị Thanh Trúc (22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành sư phạm tiểu học hệ cao đẳng Trường đại học Bình Dương) đã làm đơn xin đi Trường Sa làm cô giáo. Khi được hỏi vì sao chọn Trường Sa, Trúc tâm sự: “Trường Sa là vùng biển đảo phên giậu của Tổ quốc Việt Nam mình nên Trúc muốn đến đó để làm việc và cống hiến. Là con gái, Trúc có thể chưa cầm được súng bảo vệ biên cương như những anh lính hải quân, nhưng Trúc có thể giúp nhân dân, chiến sĩ ở Trường Sa an tâm bảo vệ đất nước bằng cách chăm sóc, dạy dỗ cho những đứa trẻ của họ”.
Nguyễn Thị Thanh Trúc nói cô biết mình không đáp ứng được những điều kiện của ứng viên xin đi làm giáo viên tại Trường Sa, nhưng vẫn gửi đơn tình nguyện. “Nhiều người cho rằng một nữ sinh viên trẻ như Trúc khó có thể chịu nổi sự khắc nghiệt, thử thách ở Trường Sa và có ý ngăn cản, nhưng Trúc tự tin mình đủ bản lĩnh để sống và làm việc tại Trường Sa. Gửi đơn đi, dù biết nhiều bất lợi so với các bạn khác, nhưng Trúc vẫn hi vọng” - cô gái trẻ khẳng định.
Còn Lâm Bùi Thị Thiên Trang, cô giáo viên trẻ của Trường tiểu học Thành Sơn (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), mới đây đã viết “Tâm thư cho Trường Sa” gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Khánh Hòa. Bức thư có đoạn: “Cả ba lần tỉnh tuyển giáo viên dạy học tại huyện đảo Trường Sa đều ưu tiên cho nam, nên mấy lần tôi nộp đơn tình nguyện đều không được chấp thuận. Tôi biết Trường Sa rất đặc biệt nên việc xét tuyển cũng rất đặc biệt, nhất là tình hình an ninh chính trị ngoài đảo cũng như tình hình biển Đông trong thời gian gần đây. Tôi biết ngoài Trường Sa còn rất khó khăn chứ không giống như ở đất liền, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tin chắc mình sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...”.
Cô gái quê xã Diên An (huyện Diên Khánh) này tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học năm 2010 và làm đơn tình nguyện đi Trường Sa nhưng không đáp ứng được điều kiện vì là nữ. Trang đã tình nguyện lên xã miền núi xa xôi để dạy học từ đó đến nay, nhưng mỗi lần nghe tin tuyển giáo viên cho Trường Sa, cô lại làm đơn tình nguyện vì “niềm hi vọng được đứng trên bục giảng ở Trường Sa của Trang không bao giờ tắt”!
Xúc động trước tinh thần trẻ Bà Hoàng Thị Lý - phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Có rất nhiều hồ sơ xin được đến dạy học ở Trường Sa. đọc đơn tình nguyện và thư của các bạn giáo viên trẻ, tôi thấy rất xúc động vì nhiệt huyết và tinh thần yêu nước, yêu biển đảo của các bạn trẻ. Cá nhân tôi thấy hầu hết các bạn đều có thể đến Trường Sa để công tác, kể cả các bạn nữ, nhưng quy định về tuyển chọn khá nghiêm ngặt, số lượng cũng giới hạn nên chỉ có sáu giáo viên được tuyển đợt này”. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và bà Lý diễn ra chiều 23-4, khi bà đang ở đảo Đá Đông trong chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa. “Tôi tin rằng trong tương lai không xa, Trường Sa sẽ có thêm những ngôi trường mới, có thể tổ chức giảng dạy bậc THCS, thì giáo viên ở Trường Sa sẽ nhiều hơn” - bà Lý nói. |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)