1

Tin Tức Các Báo

In

Chuyển ngành học, nơi được nơi không

Cập nhật 22/04/2013 - 07:56:38 AM (GMT+7)

Chuyển đổi giữa các ngành học gần nhau là một nhu cầu có thật, đáp ứng nguyện vọng sửa sai của sinh viên do chưa biết rõ về ngành nghề khi đăng ký dự thi. Thế nhưng, quy chế hiện nay quá cứng nhắc dẫn đến việc trường thực hiện trường không, hậu quả là không ít sinh viên thiệt thòi.

Chuyển ngành học, nơi được nơi không

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành. Đây là một trong những ĐH cho phép sinh viên chuyển đổi ngành học


Hiện nay, hầu hết các trường ĐH đều đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Hình thức này giúp sinh viên chủ động, linh hoạt trong học tập, vì thế việc chuyển đổi giữa các ngành học có liên quan không quá khó. Nhiều trường ĐH ở các nước vẫn thực hiện việc này, nhưng ở VN chưa có sự thống nhất.

Thi ngành nào, học ngành đó

chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ GD-ĐT ban hành không có quy định nào cho phép sinh viên được chuyển đổi ngành học sau khi đã trúng tuyển. Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nói: “Các trường tuyển sinh theo ngành không được phép cho sinh viên chuyển ngành học sau khi đã trúng tuyển. Bởi lẽ, mỗi ngành học có mức điểm chuẩn khác nhau, nếu việc chuyển đổi dễ dàng sẽ không công bằng cho các thí sinh cùng dự thi vào trường”.

Thực hiện theo đúng tinh thần này, nhiều trường quy định sinh viên trúng tuyển ngành nào chỉ được học tập ngành đó trong suốt khóa học. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Quy chế thi và tuyển sinh của Bộ đã quy định, sinh viên trúng tuyển ngành nào phải học tập ngành đó suốt khóa học. Do vậy, trường không cho phép sinh viên được chuyển ngành học khác với ngành đã trúng tuyển”. Tương tự, PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng khẳng định: “Trường không giải quyết bất cứ trường hợp sinh viên nào xin chuyển ngành học, cho dù ngành học sinh viên xin chuyển đến có điểm trúng tuyển thấp hơn ngành sinh viên đó đã thi vào”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Chỉ trừ những trường hợp quá đặc biệt với lý do chính đáng trường mới cho phép sinh viên chuyển ngành học theo nguyện vọng”.

Cho phép có ràng buộc

Trong khi đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế, rất nhiều trường linh hoạt giải quyết cho sinh viên chuyển ngành học nếu đáp ứng các điều kiện. Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, sinh viên có thể chuyển đổi ngành học nếu ngành chuyển sang còn chỉ tiêu đào tạo, số lượng sinh viên chuyển sang không quá 10% tổng chỉ tiêu được giao của ngành. Việc chuyển ngành này cần phải có lý do chính đáng, kết quả học tập ít nhất 3 học kỳ đầu tiên (không tính học kỳ học ngoại ngữ) từ loại khá trở lên và đã tích lũy đủ số tín chỉ tối thiểu cho mỗi học kỳ theo quy định.

Ở Trường ĐH Tài chính - Marketing, sinh viên sau khi học xong năm thứ nhất có thể xin chuyển ngành học nếu điểm trung bình học tập năm thứ nhất đạt tối thiểu 2.0 (trong thang điểm 4.0) và sự khác biệt về chương trình đào tạo giữa các ngành này không vượt quá 25%. Tương tự, Trường ĐH Lâm nghiệp cũng chấp nhận sinh viên chuyển ngành nếu ngành chuyển đến cùng khối thi với ngành đang học, điểm trúng tuyển (cả điểm ưu tiên) ngành đang học không thấp hơn ngành chuyển đến. Trường ĐH Hoa Sen cũng cho sinh viên chuyển ngành một lần trong khóa học, thực hiện trong thời gian 4 học kỳ chính đầu tiên (không kể học kỳ hè) và kể từ học kỳ 2 trở đi. Điều kiện là sinh viên không thuộc diện bị buộc thôi học, còn trong thời hạn học tập ở trường, có điểm trúng tuyển đầu vào theo khối ngành đang học không thấp hơn điểm tuyển sinh đầu vào theo khối ngành chuyển đến trong cùng năm tuyển sinh và cùng nguyện vọng.

Trường ĐH Thăng Long cũng cho phép sinh viên chuyển ngành sau 2 học kỳ với một số điều kiện: Cùng khối thi tuyển sinh đầu vào với khối thi ngành chuyển đến, điểm thi tuyển sinh không thấp hơn ngành chuyển đến; chỉ được phép chuyển ngành một lần, khi đã chuyển thì không được đăng ký học ngành thứ ba.

Giải thích vì sao Trường ĐH Tài chính - Marketing thực hiện việc chuyển đổi này, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Trường không giới hạn chỉ tiêu chuyển ngành nhưng đưa ra các ràng buộc để chắc chắn sinh viên chuyển ngành với đúng sở thích cũng như phù hợp với khả năng bản thân”. Theo thạc sĩ Tuấn, mỗi năm số sinh viên chuyển ngành học ở trường khoảng 30 - 40 người.

Đồng tình quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay: “Sinh viên chuyển ngành chủ yếu do chọn ngành thi không phù hợp. Đúng tinh thần ĐH thì sinh viên phải được chuyển ngành học thoải mái, hoặc đăng ký chọn ngành sau giai đoạn đại cương. Bởi lẽ, đôi khi sinh viên chỉ biết mình không thích và không hợp với ngành đăng ký dự thi khi đã vào ĐH”. Tuy nhiên, tiến sĩ Chính cho rằng: “Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo hiện hành, việc cho sinh viên chọn ngành tự do rất khó cho khâu quản lý, cũng như làm mất cơ hội của các sinh viên khác. Do vậy, chỉ nên xem xét cho chuyển ngành trong các trường hợp đặc biệt”.

"Sinh viên chuyển ngành chủ yếu do chọn ngành thi không phù hợp. Đúng tinh thần ĐH thì sinh viên phải được chuyển ngành học thoải mái hoặc đăng ký chọn ngành sau giai đoạn đại cương"

Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM

Cơ hội để sinh viên sửa sai

Thống kê ở các trường ĐH cho thấy có rất nhiều sinh viên học một thời gian ngắn rồi bỏ vì không thấy thích, muốn học ngành khác phù hợp hơn. Việc chuyển ngành học với các điều kiện ràng buộc cũng là cơ hội để sinh viên có thể sửa sai khi chọn ngành dự thi. Điều này cũng giảm bớt sự lãng phí vì sẽ tránh được tình trạng sinh viên bỏ học để thi lại ngành khác, trường khác.

(Theo Báo Thanh Niên)