1

Tin Tức Các Báo

In

Vẫn lựa chọn khối ngành kinh tế

Cập nhật 08/04/2013 - 07:54:56 AM (GMT+7)

Thống kê sơ bộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay từ các trường THPT tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy sự lựa chọn ngành nghề của học sinh rất thực tế, theo sở thích hơn là tư vấn của thầy cô.

Vì sở thích hơn nhu cầu

Thông tin việc làm cho sinh viên khối ngành kinh tế bão hòa và Bộ GD-ĐT không tăng chỉ tiêu khối ngành này đã ít nhiều tác động đến sự lựa chọn ngành nghề của HS. Ở nhiều trường, học sinh (HS) lựa chọn thi khối kinh tế không áp đảo nhiều như trước nhưng đây vẫn là ngành nhiều HS yêu thích và ưu tiên lựa chọn.

 
Kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ của học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo bà Trương Thị Kim Anh - cán bộ phụ trách giáo vụ tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), năm nay HS của trường chủ yếu nộp hồ sơ vào các trường ĐH: Sài Gòn, Tài chính - Marketing, Hoa Sen… Số lượng hồ sơ nộp vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM không nhiều như các năm trước. Trong việc chọn ngành học, số lượng HS chọn khối ngành sư phạm đã tăng nhiều hơn. HS cũng quan tâm đến những ngành học thiên về môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cũng có chung nhận định. Ông Cường cho biết: “Qua tham dự các chương trình tư vấn tuyển sinh cũng như tâm tư của thí sinh nộp hồ sơ tại đây, có thể thấy các em rất quan tâm đến việc “siết chặt” chỉ tiêu khối ngành kinh tế trong năm nay. Vì vậy, những em chọn học các ngành này đều xuất phát từ sự yêu thích”. Hiện cơ quan này đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do. Các trường ĐH có số lượng hồ sơ cao là: Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Kinh tế...

Tại Trường THPT Bình Khánh thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM), hiện đã có khoảng hơn 30 hồ sơ. Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng nhà trường, phần đông HS chọn đăng ký vào khối ngành kỹ thuật. “Đây là điều khá đặc biệt. Trước đây các em phần đông đăng ký thi vào các ngành thuộc khối kinh tế, nhưng nay các em chọn thi những ngành cần nhân lực, học xong là có việc làm ngay”, bà Linh cho biết.

Tình hình cũng tương tự ở Hà Nội. Theo một số hiệu trưởng, xu hướng chọn khối ngành kinh tế cũng đã có dấu hiệu chững lại. “Hôm trước tôi được biết năm nay các em nghe nói đến ngân hàng, tài chính là né, vì học xong không xin được việc”, bà Bùi Thị Minh Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, thông tin. Bà Phạm Hà Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D2 Trường Lê Quý Đôn (Q.Hà Đông) cho biết non nửa HS của lớp chọn thi khối ngành kinh tế.

Đáng lưu ý, khác với mọi năm, dù lựa chọn ngành học theo sở thích nhưng năm nay, HS bắt đầu chú ý đến việc chọn trường thi theo đúng năng lực. Ông Lưu Văn Diêm, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm), thông tin: “Cũng như mọi năm khoảng 40 - 50% số HS thi khối A chọn tài chính, kinh tế, ngân hàng. Ngành thì vẫn vậy nhưng tôi thấy các em khá tỉnh táo khi chọn trường, thường chọn những trường phù hợp với sức học của mình”.

Thờ ơ với các ngành xã hội

Theo nhiều giáo viên các trường THPT, vẫn như mọi năm, các ngành xã hội - nhân văn và sư phạm ít được HS quan tâm.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), thừa nhận: “Trong các hoạt động hướng nghiệp tổ chức tại trường, tôi luôn nói với các em về tình trạng dư thừa nguồn nhân lực của các ngành kinh tế, mong muốn các em quan tâm tới các ngành khác trong lĩnh vực xã hội - nhân văn, kỹ thuật, hoặc là những ngành sư phạm. Tuy nhiên hưởng ứng của các em không rõ rệt lắm”.

Ông Phạm Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) - người trực tiếp tham gia ôn luyện môn toán cho nhiều HS chuẩn bị thi ĐH - cũng cho rằng có khá nhiều HS mong muốn được thi vào các trường kinh tế. Ông Hoan kể: “Lớp luyện thi của tôi gồm HS đến từ nhiều trường THPT khác nhau. Năm nay, trong số những em đã hỏi ý kiến tôi, chỉ một em chọn thi vào kỹ thuật - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Còn lại nếu không thương mại, kinh tế thì du lịch. Các em nói chỉ thích kinh doanh, thậm chí có em còn nói không quan trọng sau này xin việc ở đâu bởi em sẽ tự kinh doanh”.

Chính vì thế, như nhiều năm trước, năm nay số lượng HS nộp hồ sơ  đăng ký dự thi vào khối C rất thấp.

Tại Hà Nội, Trường THPT Trần Phú có hơn 700 HS lớp 12, trong đó khoảng nửa số thi khối D hoặc A1, nửa còn lại thi khối A. Các khối B, C và năng khiếu chỉ vài chục hồ sơ. Ông  Nguyễn Sĩ Khiêm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Có 680 HS khối 12 thì khoảng 2/3 trong số đó thi khối A, 1/3 thi khối D. Các khối B, C hầu như không em nào nộp hồ sơ”. Khoảng nửa HS khối 12 năm nay của Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) thi khối B và D, rất ít khối C.

Còn trong số hơn 1.300 hồ sơ nộp tại Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, chưa đến 10 HS chọn khối C. Bà Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cho rằng sau khi Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp, HS của trường có phần chuyển hướng trong việc chọn ngành và khối thi. “Do 6 môn tốt nghiệp có toán, hóa và sinh nên HS đã thay đổi hồ sơ và chọn thi vào những trường, ngành có khối B để tiện ôn thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ”, bà Nhân cho biết thêm.

 

Giảm hồ sơ thi cao đẳng

Thông tư về liên thông Bộ GD-ĐT ban hành vừa qua quy định thí sinh tốt nghiệp các trường CĐ chưa đủ 36 tháng muốn liên thông ĐH phải dự kỳ thi “3 chung” ảnh hưởng không ít đến việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Theo một cán bộ phụ trách giáo vụ của Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, không nhiều HS nộp hồ sơ vào các trường CĐ vì sợ sau này sẽ khó khăn trong liên thông. Ngay Trường CĐ Kinh tế đối ngoại và Tài chính - Hải quan TP.HCM hằng năm có đông HS của trường quan tâm thì năm nay cũng không có nhiều hồ sơ. Tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, số lượng HS chọn thi các trường bậc này đã giảm mạnh so với năm trước. Còn tại Sở GD-ĐT TP.HCM, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào bậc này cũng không nhiều. Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM nhiều nhất nhưng chỉ mới có 43 hồ sơ, trong khi mọi năm vào thời điểm này có trường CĐ đã nhận được trên 100 hồ sơ.

Đến tuần đầu tháng 4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhận đến 159 hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Các trường ĐH khác có số lượng hồ sơ cao là: Sài Gòn (164), Sư phạm TP.HCM (98), Y Dược TP.HCM (96)...

 

(Theo Thanh Niên)