1

Tin Nghiên Cứu Khoa Học

In

Tháng Thanh niên: Sáng chế vì sức khỏe con người

Cập nhật 26/03/2013 - 10:27:45 AM (GMT+7)

Những công trình nghiên cứu khoa học vừa công bố của các giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) mang tính thực tiễn, chủ yếu nhằm phục vụ những yêu cầu cần thiết của con người.

“Bác sĩ” di động

Giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Tới - Trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh, cùng các cộng sự đã thiết kế thành công máy viễn áp dùng đo huyết áp và nhịp tim từ xa. Sản phẩm này đã đoạt cúp vàng tại Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức tại Hà Nội tháng 9.2012.

Đo huyết áp bằng máy viễn áp đã được sử dụng trong thực tế

Đo huyết áp bằng máy viễn áp đã được sử dụng trong thực tế


Với thiết kế đơn giản và nhỏ gọn, máy viễn áp rất dễ sử dụng với người bệnh. Đặc biệt, máy này có thể kết nối trực tiếp với bệnh viện hoặc bác sĩ riêng để chăm sóc sức khỏe từ xa. Bác sĩ có thể theo dõi diễn tiến trực tiếp từ xa để tư vấn cho bệnh nhân. Máy sẽ tự động làm các thao tác để đo huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân. Trong trường hợp dữ liệu bệnh nhân vừa đo vượt mức cho phép, hệ thống sẽ cảnh báo các bác sĩ để họ tức thời cứu xét. Một máy viễn áp có thể sử dụng cho nhiều bệnh nhân.

Giáo sư Tới cho biết: “Điểm ưu việt của thiết bị y tế này chính là kết nối bệnh nhân với bác sĩ từ xa. Bệnh nhân có thể tự kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt được chăm sóc trực tiếp và tức thời như luôn có bác sĩ bên cạnh”.

Nói về căn nguyên của đề tài nghiên cứu, Giáo sư Tới chia sẻ: “Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 12 triệu người có những bệnh liên quan đến tim mạch cần được giám sát. Cứ 4 người Việt Nam trưởng thành thì có một người bị cao huyết áp, và trên 50% trong số này không biết mình bị bệnh. Thêm vào đó, bệnh viện quá tải, luôn thiếu các chuyên gia y khoa và kỹ thuật. Chúng tôi mong muốn tạo ra một thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe con người, giảm tải cho bệnh viện và góp phần vào mục tiêu hạn chế nhập khẩu thiết bị y tế mà chính phủ đề ra”.

Đây là đề tài nghiên cứu thuộc chương trình trọng điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM, đã được thử nghiệm lâm sàng tại một số bệnh viện và sẽ phối hợp với Công ty Digisensor (Khu công nghệ cao TP.HCM) tái thiết kế và sản xuất.

Xe lăn thông minh và thuốc trị tiểu đường từ cỏ

Đề tài xe lăn điện thông minh của bộ môn kỹ thuật y sinh do tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải làm chủ nhiệm, cũng là một chế tạo được nhận cúp vàng tại Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012. Khác với loại xe lăn thông thường, phương tiện này được thiết kế dành riêng cho người tàn tật không thể sử dụng chân và tay để di chuyển bằng xe lăn không động cơ. Loại xe này được trang bị một camera nổi để nhận diện các vật cản, cùng một hệ thống máy vi tính để xử lý hình ảnh nhận được và điều khiển xe lăn tự động tránh các vật cản. Bên cạnh đó, xe còn được trang bị thêm nón dựa trên cảm biến gia tốc. Khi người sử dụng đội nón này, các cử động của họ (nghiêng phải, trái, quay trước, sau) đều được dùng để điều khiển xe lăn theo hướng tương ứng.

Thuốc điều trị tiểu đường từ cỏ sữa (một loại cỏ phân bố ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới ẩm; ra hoa quanh năm) là kết quả nghiên cứu bước đầu về lĩnh vực công nghệ sinh học dược do tiến sĩ Hoàng Lê Sơn cùng các cộng sự thực hiện.

Đề tài nghiên cứu này đã được thử nghiệm thành công trên mô hình chuột tiểu đường. Theo đó, kết quả cho thấy chiết xuất cỏ sữa lá nhỏ có thể làm giảm đường huyết từ 43,8 - 48% ở mô hình chuột tiểu đường. Tiến sĩ Sơn cho biết chiết xuất này có tiềm năng rất lớn trong việc điều trị tiểu đường ở người và thời gian tới sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

"Chúng tôi mong muốn tạo ra một thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe con người, giảm tải cho bệnh viện và góp phần vào mục tiêu hạn chế nhập khẩu thiết bị y tế mà chính phủ đề ra"

Giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Tới

(Theo Báo Thanh Niên)