Support Students
PrintTân sinh viên gian nan đi tìm phòng trọ
Update 13/08/2009 - 02:54:43 PM (GMT+7)"Cháy phòng" ngay những ngày đầu tháng 8
Dạo quanh các con đường có phòng trọ cho thuê như Hải Triều, Phan Chu Trinh, Hàn Mặc Tử và đặc biệt là “đường sinh viên” Trần Phú đều trong tình trạng chung “hết phòng”.
Nguyễn Văn Hoàng, tân sinh viên Đại học Kinh tế Huế tâm sự: “Em đã đi suốt cả ngày rồi nhưng chỉ tìm đựơc hai phòng tồi tàn xa trường nên không thuê”. Theo Hoàng cho biết, hiện các phòng trọ quanh khu vực Trường Đại học Kinh tế Huế đều ở tình trạng “kín”.
Chúng tôi đến căn nhà 10/8 kiệt 66 Hải Triều theo sự giới thiệu của cô bán nước mía bên vỉa hè đường Hải Triều. Hộ này vừa xây mới 12 phòng nhưng khi hỏi “còn phòng cho thuê không hả cô” thì nhận được ngay câu trả lời: “Chỗ này hết phòng rồi em à. Đi đường khác mà tìm khu vực này không có phòng đâu”.
Nói xong bà chủ trọ tiện tay cất luôn tấm bảng “cho thuê phòng trọ” mà theo anh Minh, sinh viên trọ ở đây thì đã treo hơn một tháng nay nhưng do quên nên vẫn cứ nằm đó để “trêu ngươi” sinh viên tìm phòng.
Dọc đường Trần Phú, lọt vào ngay kiệt 131, tôi thấy vẻ mặt căng thẳng của Mai Thị Diệp, quê ở Thanh Hoá, là tân sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế. Vừa gạt giọt mồ hôi trên má, Diệp cho biết: “Nghe chị hàng xóm cạnh nhà bảo vào sớm mà tìm phòng trọ chứ cận ngày học là không còn phòng đâu. Nên khi biết tin đỗ Đại học, em đã bắt xe vào ngay Huế để tìm phòng trọ. Nhưng tìm “đỏ mắt” mà chẳng có phòng trống cho thuê. Bây giờ em xuống khu vực Ngự Bình, ở đó xa nhưng có phòng còn hơn không”.
Khắp các con hẻm kiệt 131 Trần Phú các dãy phòng trọ nối tiếp nhau mọc ra. Chủ trọ nắm bắt được nhu cầu thuê phòng đầu năm lớn nên đã tận dụng mọi diện tích để xây phòng cho sinh viên thuê, nhưng lượng “cầu” lớn hơn lượng “cung” nên tình trạng cháy phòng trọ diễn ra sớm là điều dễ thấy.
Dường như đến nơi nào hỏi trọ, các tân sinh viên đều nhận được câu trả lời là “hết phòng”, nhiều chủ trọ còn treo bảng trước cổng “hết phòng miễn hỏi” tránh sự làm phiền của sinh viên “viếng thăm” gia chủ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì tình cảnh thiếu phòng trọ diễn ra căng thẳng khắp các khu vực trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Huế ngay khi điểm chuẩn ĐH Huế công bố.
Tâm lí chung của các tân sinh viên đều mong muốn nhanh chóng tìm cho mình một phòng trọ ổn định, gần trường và giá cả hợp lí nên tăng tốc “kéo quân” tràn về thành phố Huế khi biết tin mình đỗ Đại học nhưng nhìn chung ai cũng “oải” trong cuộc hành trình này.
“Mình vào sớm để tìm phòng trọ ở gần trường ĐH khoa học Huế nhưng giờ chấp nhận thuê phòng chật chội một chút kẻo sợ không có phòng mà thuê” - Minh vừa đỗ vào ngành Luật Trường Đại học khoa học Huế cho biết.
Bi hài chuyện giá cả
Nắm được “thóp” của tân sinh viên, các chủ trọ cứ ngang nhiên tăng giá phòng vô tội vạ. Theo nhận định của những sinh viên đi trước, cứ đầu năm học là các chủ trọ đều tăng tiền phòng hơn 50 đến 70 nghìn đồng. Thậm chí một số phòng nhà tầng cho thuê tăng gần 200 nghìn/phòng.
Tiêu biểu như ở khu vực đường Nguyễn Huệ (gần trường ĐHKH Huế) một phòng chừng 10m2 đủ cho 2 người ở giá “cứng” đã 800 nghìn chưa tính điện nước. Hay khu vực ĐH Y dược Huế giá “bời bời” tăng từ 50 đến 80 nghìn đồng.
Biết là giá đắt nhưng nhiều tân sinh viên cũng đành “bấm bụng” chấp nhận kí vào bản hợp đồng thuê trọ chỉ vì lý do muôn thuở là sợ không có phòng trọ lúc nhập học.
Điều đáng nói là mặc dầu lấy giá phòng cao, tiền điện nước cũng tăng gấp 2 gấp 3 giá quy định nhưng chất lượng phòng trọ chủ cho thuê đều trái ngược.
Nhiều nhà 2 tầng cho chỉ có một nhà vệ sinh chung gây cản trở trong sinh hoạt của sinh viên, các phòng trọ đều chung cảnh ẩm thấp vào mùa mưa và nóng bức vào mùa hè.
"Cung" không đủ "cầu", các chủ trọ đua nhau tăng giá... |
Bên cạnh những tân sinh viên “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận trú ngụ, chi phí đắt đỏ còn một số cô cậu sinh viên nhà nghèo đành ngậm ngùi gác lại chuyện tìm phòng trọ lên xe về quê.
“Đi mòn cả dép rồi mà chẳng tìm ra phòng, lúc sáng nghe bà bán xôi bảo về đường Bà Triệu mà tìm, mình cọc cạch đạp xe đi nhưng kết quả là tay không đi về vì phòng xấu mà đắt quá! Bây giờ về quê rồi vài tuần nữa tính tiếp...” - Nguyễn Xuân Đàn quê Quảng Bình đỗ vào Học viện Nghệ thuật Huế cho hay.
Khi hỏi về tình trạng phòng trọ sinh viên trong khu vực đường Trần Phú, bác Lê Thị Mùi (số 8/132) cho biết: “Năm nào cũng thế cứ đầu tháng 8 là hết phòng. Mặc dù giá tăng hơn năm cũ nhưng vẫn không còn phòng cho thuê. Nhà tôi có 12 phòng nhưng lúc đưa con đi thi phụ huynh đã đặt cọc hết rồi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì năm 2008 một phòng rộng chừng 8 - 10m2 ở đường Đào Tấn, Trần Phú, Phan Bội Châu giá từ 350 - 400 nghìn đồng/tháng nhưng giờ các chủ trọ “chặt chém” với giá 500 - 550 nghìn/tháng.
Tân sinh viên Đỗ Thu Ngân (ĐH Ngoại ngữ Huế) tâm sự, gia đình dự định cho em 1 triệu/tháng, giờ thuê trọ mất 450 nghìn/tháng, cộng tiền điện nước chừng 600 trăm nghìn/tháng, số tiền còn lại em sinh sống cũng rất “chật vật”.
Ngay cả những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà có điều kiện cũng phát “sốt” vì giá phòng quá cao. Minh Anh (quê Thanh Hoá) năm tới là sinh viên Đại học Kinh tế Huế chia sẻ: “Ba mẹ cho em 2 triệu/tháng, tiền thuê trọ 1 triệu còn 1 triệu thì sống được cũng phải rất tằn tiện”.
Các phòng trọ “cao cấp” tập trung ở đường Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hùng Vương với cấu trúc nhà cao tầng, phòng ở khép kín nên giá rất cao, nhiều tân sinh viên đến đành ngậm ngùi quay lưng vì giá trên trời.
Linh (HV Âm nhạc Huế) đi ra từ dãy nhà trọ 3 tầng (số 21 Đống Đa) than thở: “Chỗ trọ thì đẹp và ưng ý đấy nhưng đắt quá không thuê nổi. Mình nói chủ nhà giảm chút đỉnh nhưng ông chẳng chịu đành phải đi”.
Chuyện chủ trọ “làm giá” phòng sinh viên thuê diễn ra rất phổ biến trên địa bàn thành phố Huế, và nó tăng đột biến khi các trường đại học công bố điểm chuẩn.
Cảnh “chém ngang chém dọc” sĩ tử trong những ngày "lai kinh ứng thí" vẫn khiến đa phần thí sinh và người nhà "chưa hoàn hồn" thì giờ đây, sau khi đỗ đạt, tân sinh viên lại tiếp tục bị “hành” bởi giá cả đắt đỏ.